Tiêu dùng & Dư luận

Đánh thuế xe ôm, quán cóc: Coi chừng thu không đủ chi

TS. Lê Đăng Doanh lo ngại việc thu thuế của những người lao động như xe ôm, bán quán cóc... sẽ không đủ bù đắp chi phí đầu tư, nhân lực quản lý của cơ quan thuế.

Điểm đáng lưu ý trong Công văn số 4965 của Tổng cục Thuế chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế khoán năm 2019 là yêu cầu các cục thuế rà soát, bảo đảm đầy đủ dữ liệu những cá nhân hành nghề xe ôm, xe lam, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc, vỉa hè, hộ kinh doanh tại các điểm tự phát ở chợ tạm, chợ cóc…

Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, việc rà soát nhằm mục đích đưa vào diện quản lý thường xuyên để xác định nếu hộ kinh doanh có mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm cơ quan thuế mới ra thông báo để yêu cầu nộp thuế, chống thất thu thuế.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế, TS.Lê Đăng Doanh cho rằng, việc bảo đảm công bằng giữa các đối tượng có thu nhập phát sinh phải nộp thuế là cần thiết. Tuy nhiên, muốn làm hiệu quả và nhận được sự đồng thuận của dư luận thì ngành thuế phải giải trình được phương pháp quản lý, cơ sở tính thuế, cách thu thuế và hiệu quả quản lý ra sao.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.

“Ngành thuế phải trả lời được câu hỏi với khu vực kinh doanh nhỏ lẻ, lao động tự do không thường xuyên, liệu có thu được thuế không, có đáng thu không và có cần phải thu không?”, ông Doanh nói.

“Nhìn vào quy mô kinh doanh và năng suất lao động của khu vực này, thấy số thu không lớn mà để quản lý được thì tốn rất nhiều nhân lực, công sức. Thu nhập của người lao động phi hành chính chỉ đủ nuôi sống bản thân, trong khi thu thuế hiệu quả thì phải tạo được phúc lợi bù lại cho người ta thấy. Nếu không họ sẽ trốn thuế.

Trong khi áp dụng công nghệ như gắn chip chẳng hạn thì tốn kém, tôi e rằng tiền đầu tư đi thu thuế còn lớn hơn tiền thuế thu được”, vị chuyên gia nêu băn khoăn.

Cũng theo ông Doanh, việc xác định được cá nhân để thu thuế rất khó khăn, "làm sao quản lý với anh xe ôm hay chị bán hàng vỉa hè, làm sao biết họ thu nhập bao nhiêu mà thu? Một người làm xe ôm, nay họ làm, mai họ nghỉ. Người bán hàng cũng vậy, chỗ này vắng khách bà chuyển chỗ khác, khi thanh toán hoàn toàn không có hoá đơn chứng từ, nên căn cứ để biết thu nhập của họ là rất khó". 

Việc xác định thu nhập của xe ôm, quán cóc là rất khó.

Trong năm tới việc tham gia sâu vào nhiều hiệp định thương mại, đặc biệt là CTPP, sẽ khiến nguồn thuế quan chỉ từ 0-5%, giảm đi đáng kể nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, phải bằng những cách thiết thực hiệu quả khác để tạo nguồn thu ngân sách, và chi tiêu tiết kiệm.

Việc áp dụng đánh thuế cần có sự phân tích, đánh giá đúng để đảm bảo đồng thuận xã hội và tránh trường hợp những hộ kinh doanh siêu nhỏ phải chịu mức thuế bất công, còn hộ có doanh thu lớn thì lại chỉ đóng ở mức không tương xứng.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, cách đánh thuế như vậy là không có lộ trình và thiếu tính khả thi. 

“Ví dụ, với các hộ kinh doanh chưa nâng cấp lên doanh nghiệp thì không thể đánh thuế cá nhân hay thuế doanh nghiệp. Trước tiên phải nâng cấp hộ kinh doanh lên doanh nghiệp siêu nhỏ, như mong muốn chỉ đạo của Chính phủ đến 2020, nước ta có 1 triệu doanh nghiệp. Nhưng khi họ lên doanh nghiệp siêu nhỏ rồi cũng không phải chăm chăm để đánh thuế, nếu vậy không hộ kinh doanh nào muốn thành doanh nghiệp.

Bởi vậy, cần những cơ chế ưu đãi để hộ kinh doanh tự nguyện vào doanh nghiệp như: Đơn giản hoá thủ tục thành lập doanh nghiệp, miễn thuế trong những năm đầu và tập huấn bồi dưỡng giúp họ về quản trị doanh nghiệp. Cần những lộ trình cụ thể thì việc áp dụng mới nhận sự đồng thuận và khả thi”, ông Lực đề xuất.