Bất động sản

Đánh thuế nhà và tài sản: Các nước trên thế giới tạo nguồn thu ra sao?

Thuế thu trong quá trình sử dụng tài sản tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP, thấp hơn nhiều lần so với các quốc gia phát triển và mới điều tiết đối với đất.

Bộ Tài chính Việt Nam đang triển khai thu thập ý kiến người dân về việc thu thuế nhà và tài sản. Chính sách thuế sẽ giúp bình ổn thị trường bất động sản, tăng thu hiệu quả, ngăn chặn đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí.

Trước đó, Chính phủ từng đề xuất thí điểm thuế tài sản (nhà ở) tại Tp.HCM năm 2017. Bộ Tài chính cũng đưa ra dự thảo Luật Thuế tài sản trình Chính phủ vào năm 2018. Tuy nhiên, các chính sách này sau đó đều nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và không được cấp thẩm quyền phê duyệt. 

Tại Việt Nam, thuế thu trong quá trình sử dụng tài sản chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP, thấp hơn nhiều lần so với các quốc gia phát triển và mới chỉ điều tiết đối với đất. Các nước OECD trung bình tạo ra khoảng 2% GDP từ thuế tài sản, trong khi con số tại các thị trường mới nổi là 0,6% GDP và tại các nước đang phát triển có thu nhập thấp là 0,3% GDP

Mỹ

Tại Mỹ, mức thuế tài sản có thể khác nhau phụ thuộc vào từng chính quyền địa phương. Các chủ sở hữu nhà ở Hawaii chỉ phải trả thuế trung bình 0,3% giá trị tài sản của họ mỗi năm - thuộc mức thuế thấp nhất cả nước. Trong khi đó, các chủ nhà tại bang New Jersey phải trả thuế trung bình 2,21% giá trị tài sản của họ mỗi năm - mức thuế cao hàng đầu ở Mỹ. 46,9% doanh thu thuế của New Jersey đến từ thuế bất động sản, cao hơn nhiều so với mức trung bình 31,9% của tất cả các bang.

Việc thu thuế tài sản thấp không nhất thiết đồng nghĩa rằng nguồn thu thuế tổng thể tại bang đó cũng ở mức thấp. Chính quyền bang có thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính theo nhiều cách. Bang có thuế tài sản thấp thì các mức thuế khác như thuế bán hàng hoặc thuế thu nhập có thể cao hơn.

Chính quyền bang thường sử dụng nguồn thu từ thuế tài sản để tài trợ cho hệ thống trường học công lập. Các bang có mức thuế tài sản cao có xu hướng chi tiêu giáo dục cho mỗi học sinh cao hơn mức trung bình. Trên toàn nước Mỹ, thuế suất tài sản trung bình là 1,1% giá trị nhà.

Anh

Thuế tài sản ở Anh được chia làm 2 loại, gồm thuế dành cho nhà thứ nhất và thuế dành cho nhà thứ hai trở đi. Khi mua bất động sản thứ nhất ở Anh vượt quá một ngưỡng nhất định sẽ phải trả Thuế đất đóng dấu (SDLT). Ngưỡng áp dụng SDLT từ 2% cho các bất động sản nhà ở có giá trị vượt quá 125.000 Euro, trong khi ngưỡng đối với đất và tài sản không phải nhà ở là 150.000 Euro.

Chính phủ Anh cũng không ủng hộ việc đầu cơ nhà bằng cách đánh thuế mạnh hơn vào nhà thứ hai trở đi. Từ bất động sản thứ hai trở đi, các bậc thu thuế cao hơn so với bất động sản thứ nhất có giá trị tương đương. Ví dụ, cùng là nhà ở có giá trị 150.000 Euro, trong khi căn thứ nhất tính thuế 2% thì căn thứ hai tính thuế lên tới 5%.

Các tòa nhà của Tập đoàn bất động sản Evergrande tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, vào ngày 21/9/2021. Ảnh: Bloomberg.

Trung Quốc

Vào tháng 8 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này sẽ “tích cực và kiên định thúc đẩy cải cách và luật thuế tài sản”. Kế hoạch đánh thuế tài sản là một phần trong chiến dịch thịnh vượng chung của nước này nhằm phân phối lại của cải và giải quyết sự bất bình đẳng xã hội gia tăng.

Kế hoạch này không được thực hiện ngay lập tức, theo đó một chương trình thí điểm kế hoạch sẽ kéo dài 5 năm để thử nghiệm trước khi cuối cùng được triển khai trên toàn quốc. Cho tới nay chưa có chi tiết chính thức, theo Tân Hoa Xã, thuế mới sẽ áp dụng với tất cả bất động sản nhà ở và không phải nhà ở trên toàn quốc ngoại trừ một số tài sản ở nông thôn.

Các nhà kinh tế cho rằng hộ gia đình sẽ bị đánh thuế nếu diện tích bất động sản đầu tiên vượt quá một ngưỡng mét vuông/người nhất định, trong khi một giả thuyết khác cho rằng chủ sở hữu sẽ chỉ bị đánh thuế nếu họ sở hữu nhiều bất động sản.

Thuế bất động sản đã được thử nghiệm ở Thượng Hải và Trùng Khánh kể từ năm 2011, nhưng tác động vẫn chưa thực sự rõ ràng. Thượng Hải đánh thuế nhằm kiềm chế giá nhà, trong khi Trùng Khánh nhằm mục đích giảm bất bình đẳng giàu nghèo. Thượng Hải áp dụng thuế đối với các bất động sản được mua từ cuối tháng 1/2011 với mức thuế từ 0,4-0,6%. Trong khi, các căn nhà độc lập tại Trùng Khánh đều bị đánh thuế từ 0,5-1,2%. 

Tuy nhiên, thuế chỉ được áp dụng ở phạm vi hẹp đối với những căn nhà thứ hai và có mức giá cao. Do đó quy định này không có tác động rõ rệt đến giá bất động sản, cũng như việc tăng thuế không tạo ra nhiều nguồn thu cho chính quyền địa phương.

Nhật Bản

Tại Nhật Bản, thuế tài sản cố định hàng năm do cơ quan thuế địa phương thực hiện đối với bất động sản. Bất động sản bị đánh thuế 1,7% (thuế suất tiêu chuẩn bao gồm thuế quy hoạch thành phố) trên giá trị được cơ quan thuế địa phương thẩm định. Sau khi khấu hao theo luật định, thuế tài sản cố định khấu hao được tính bằng 1,4% giá gốc. Thuế trước bạ và thuế môn bài được tính khi đăng ký một số loại tài sản nhất định, với thuế suất từ 0,1% - 2% trên cơ sở tính thuế

Singapore

Singapore, vốn được biết đến như trung tâm đầu tư bất động sản hàng đầu Đông Nam Á, có hai mức thuế suất tài sản khác nhau đối với nhà ở được chủ sở hữu sử dụng và không được chủ sở hữu sử dụng. Đầu tư bất động sản đã trở thành một công cụ tài chính quan trọng để làm giàu, thông qua việc tăng giá trị vốn và thu nhập cho thuê. Nhà ở cho thuê được xem là tài sản đầu tư, do đó bị đánh thuế ở mức cao hơn bất động sản mà chủ sở hữu sử dụng. Cơ cấu thuế này làm cho hệ thống thuế bất động sản quốc gia trở nên tiến bộ hơn, đảm bảo rằng các bất động sản có giá trị lớn hơn sẽ phải chịu thuế suất cao hơn.

Ông Lawrence Wong, Bộ trưởng Bộ Tài chính Singapore, đã phát biểu về vấn đề ngân sách năm 2022 rằng cùng với việc tăng thuế thu nhập cá nhân đối với nhóm người thu nhập cao nhất và thuế bổ sung đối với ô tô hạng sang, thuế tài sản cũng sẽ tăng lên. Mức tăng sẽ áp dụng cho các ngôi nhà có giá trị hàng năm trên 30.000 SGD và tất cả tài sản không được sử dụng bởi chủ sở hữu.

Dự án Sonasea Vân Đồn của CEO Group tại Quảng Ninh. Ảnh: CEO Group.

Cũng như với bất kỳ chính sách cải cách nào, để thực hiện công tác thuế tài sản ở quốc tế nói chung và  ở Việt Nam nói riêng đòi hỏi tầm nhìn xa, khung chính sách phù hợp, năng lực hành chính tốt cũng như các biện pháp khuyến khích thích hợp nhằm đạt được sự đồng thuận của nhân dân. Ngoài ra, để thuế tài sản hoạt động hiệu quả cần dựa trên cơ sở hài hòa hóa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân. 

Mặc dù đang trong giai đoạn triển khai thu thập ý kiến, nhưng việc Việt Nam ban hành bộ Luật Thuế Tài sản là thực sự cần thiết. Điều đó giúp tăng cường nguồn thu ngân sách nhà nước một cách bền vững, đảm bảo thuế tài sản được triển khai công bằng và hiệu quả, cũng như hạn chế hiện tượng đầu cơ thao túng thị trường.