Thế giới

Doanh số bán ô tô tại Nga vào tháng 5 ở mức thấp lịch sử

Ngành công nghiệp xe hơi của Nga vốn phụ thuộc vào nguồn cung toàn cầu đã phải đối mặt với sự thiếu hụt các bộ phận kể từ 24/2, khiến sản xuất sụt giảm.

Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu (AEB) mới đây cho biết doanh số bán ô tô tại Nga trong tháng 5 đã giảm 83,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống một mức thấp lịch sử. Các lệnh trừng phạt từ phương Tây tác động đến ngành công nghiệp ô tô của nước này, dẫn tới tình trạng thiếu phụ tùng và giá cả leo thang. 

Doanh số bán ô tô mới của Nga đã giảm kể từ tháng 3, sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine hôm 24/2. Các lệnh trừng phạt từ phương Tây gây cản trở các chuỗi cung ứng chính cho ngành ô tô tại Nga.  AEB cho biết chỉ có 24.268 xe được bán ra vào tháng 5, thấp hơn 6 lần so với một năm trước đó.

Các nhà sản xuất ô tô của phương Tây bao gồm cả hãng xe lâu đời từ Pháp Renault (RENA.PA) đã tạm ngừng hoạt động hoặc rời khỏi Nga khi lệnh trừng phạt có hiệu lực. Ngành công nghiệp xe hơi của Nga vốn phụ thuộc vào nguồn cung toàn cầu đã phải đối mặt với sự thiếu hụt các bộ phận kể từ 24/2, khiến sản xuất sụt giảm.

Theo cơ quan thống kê Nga Rosstat, giá xe hơi đã tăng gần 50% kể từ đầu năm, dẫn tới giảm nhu cầu. AEB đã không đưa ra dự báo về tình hình hoạt động thị trường ô tô nước này trong năm nay. Hồi tháng 4, cơ quan dự báo doanh số bán ô tô mới ở Nga sẽ giảm ít nhất 50% vào năm 2022.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov. Ảnh: TASS.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov mới đây đã kêu gọi Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) cùng phối hợp các biện pháp để ổn định tình hình kinh tế. 

Siluanov phát biểu tại cuộc họp cấp bộ trưởng và chủ ngân hàng trung ương của các nước thành viên BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vào hôm 6/6 rằng việc thắt chặt tiền tệ toàn cầu và phương Tây áp đặt biện pháp trừng phạt chưa từng có đã tạo ra rủi ro lạm phát toàn cầu và khủng hoảng lương thực. 

Ông Siluanov cũng lưu ý những rủi ro về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh niềm tin vào hệ thống tài chính và ngoại hối của thế giới bị suy giảm.

Phạm Hà Thanh (theo Reuters, India Times)