Danh hiệu nào cho lái tàu tử nạn?

Nếu như cách đây vài thập kỷ, tốc độ tàu chạy còn chậm, nỗi sợ lớn nhất của lái tàu là những cú cúp thắng toa bất ngờ của cánh buôn lậu, trốn vé – được cho là khởi nguồn của những vụ tai họa thảm khốc nhất lịch sử ngành đường sắt; thì giờ đây, bóng dáng tử thần luôn rình rập ở các cung đường ken đặc đường ngang dân sinh.

Ba vợ tôi làm nghề lái tàu, vậy nên dù ở gần nhà, tôi cũng ít khi gặp ông. Có lẽ đã thành thói quen, hễ báo đài đưa tin về một vụ tai nạn đường sắt nào đó, vợ tôi đều nhấc máy gọi ngay cho ông, chỉ để đợi chờ một tiếng "Alô" sang sảng ở đầu dây bên kia.

Nhưng dù đã chắc chắn rằng ba vẫn bình an, chúng tôi cũng không thể buông một tiếng thở phào hay giãn cơ mặt ngay lập tức. Bởi tai họa khủng khiếp lúc đó đã giáng xuống một gia đình nào đó trên mảnh đất này, cũng có người thân làm nghề lái tàu như chúng tôi.

Ngay cả với những người vượt qua lằn ranh sinh tử, nỗi ám ảnh về hiểm họa trên các đường ngang dân sinh sẽ đeo bám họ suốt cả cuộc đời.

Như báo chí đã đưa tin, khoảng 0h30 ngày 24/5, tàu SE19 chở hơn 400 hành khách hành trình từ Hà Nội vào Đà Nẵng, khi đến xã Trường Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã tông vào xe ben chở đá đang băng qua đường ngang.

Sau cú đâm kinh hoàng, đầu máy đứt rời khỏi đoàn tàu, lộn nhiều vòng xuống mương nước sâu bên cạnh. 6 toa khác gồm 2 toa chuyên dụng, 4 toa hành khách bật khỏi đường ray. Một nhân viên đường sắt, cũng là người đầu tiên tiếp cận hiện trường kể lại: “Có một giọng nói yếu ớt phát ra từ sâu trong khoang lái, máu chảy lênh láng, song không có cách nào đưa họ ra ngoài”.

Hiện trường vụ tai nạn tàu hỏa ở Thanh Hóa. 

Dù chỉ mường tượng qua từng con chữ, nhưng những âm thanh từ khoang lái cùng cảm giác bất lực khi chứng kiến cảnh tượng thương tâm ấy cứ quấn lấy tâm trí tôi. Hơn 6 tiếng gặp nạn, hai lái tàu đã được đưa ra khỏi cabin nhưng đã tử vong, thi thể không còn nguyên vẹn. Không chỉ người thân, đồng nghiệp mà tất cả những ai biết đến vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này đều cảm thấy bàng hoàng, xót xa.

Người ta nói, lái tàu nhận được ưu tiên tuyệt đối vì luôn chạy “một mình một đường ray”. Nhưng đó chỉ là lý thuyết.

Nếu như cách đây vài thập kỷ, tốc độ tàu chạy còn chậm, nỗi sợ lớn nhất của lái tàu là những cú cúp thắng toa bất ngờ của cánh buôn lậu, trốn vé – được cho là khởi nguồn của những vụ tai họa thảm khốc nhất lịch sử ngành đường sắt; thì giờ đây, bóng dáng tử thần luôn rình rập ở các cung đường ken đặc đường ngang dân sinh.

Họ luôn bị đặt vào thế bị động, khi có ai đó muốn kết liễu cuộc đời, chiếc xe cồng kềnh đột nhiên chết máy,... giữa đường ray.  

Không chỉ gánh chịu áp lực nặng nề trong khoang lái, bản thân những người lái tàu còn phải vật lộn trang trải cuộc sống cùng đồng lương ít ỏi. Bao nỗi khổ ấy, những người lái tàu và gia đình của họ hiểu rõ hơn ai hết.

Trải lòng với báo chí, mẹ của một trong hai người lái tàu vừa tử nạn cho biết vào ngày lễ Tết, thậm chí là ngày giỗ bố, con trai bà vẫn phải đi làm. Sau mỗi chuyến đi kéo dài 2-3 ngày, anh chỉ được nghỉ nửa ngày. Còn vợ anh, làm tiếp viên trên tàu Bắc Nam thì cứ đi 4-5 ngày mới được nghỉ 2-3 ngày. Làm trong ngành 20 năm, hai vợ chồng anh chỉ kiếm được 10 triệu đồng/tháng và vẫn phải ở nhờ nhà bố mẹ…

Vẫn biết không thể cứu vãn được chuyện đã rồi, nhưng chứng kiến những câu chuyện thương tâm như thế này, nên chăng ngành đường sắt dành một danh hiệu xứng đáng, một sự “quan tâm đặc biệt” dành cho những lái tàu tử nạn để tri ân sự cống hiến đến giây phút cuối cùng của họ?

Người quan sát