Chính sách

Đánh giá đáng chú ý của phóng viên quốc tế về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều

Các phóng viên quốc tế tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí phục vụ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều cho hay, họ không quá bất ngờ với kết quả sau hội đàm, đồng thời đưa ra một số nhận định đáng chú ý khác liên quan tới sự kiện này.

Đánh giá về kết quả cuộc hội đàm chính thức giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều vào ngày 28/2, phóng viên Derek Pham đến từ một kênh truyền hình của Mỹ bày tỏ: “Tôi cho rằng mọi người rất bất ngờ với kết quả này, nhưng những người làm báo như chúng tôi không quá bất ngờ, bởi trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra, có nhiều người đã từng bình luận rằng khó có thể thúc đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hoá, cần có nhiều thời gian cho hai bên”.

Phóng viên Derek của một kênh truyền hình Mỹ. 

Nói về hy vọng của mình trong mối quan hệ Mỹ - Triều, anh Derek Pham cho hay: “Tôi hy vọng hai bên có thể ngồi xuống và hiểu nhau hơn, điều mà ngày hôm nay như Tổng thống Donald Trump đã nói là hai bên cần thời gian thêm nữa, cần ông Kim Jong-un làm những điều mà phía Hoa Kỳ mong đợi”.

Chia sẻ thêm về công tác tổ chức hội nghị thượng đỉnh của Việt Nam, anh Derek Pham nói: “Tôi phải nói rằng công tác tổ chức của Việt Nam rất tốt, từ khâu chuẩn bị cho đến khu vực tác nghiệp cho phóng viên, nhà báo. Ngay cả công tác an ninh bảo vệ cho thượng đỉnh cũng như bảo vệ cho phóng viên tác nghiệp tại trung tâm báo chí quốc tế”.

15 năm sống xa quê hương, hiện đang định cư ở Mỹ và đây là lần thứ 3 trở về Việt Nam tác nghiệp, anh Derek Pham chia sẻ: “Lần này trở về Hà Nội tôi cảm nhận một không khí rõ rệt nhất, chứng kiến được tầm vóc, sự phát triển của Việt Nam bản thân tôi rất mừng. Tôi chắc chắn rằng, sau sự kiện này Việt Nam sẽ phát triển nhiều hơn nữa”.

Trong khi đó, cây viết Lee Jeong-ho của tờ South China Morning Post (SCMP) cho rằng mục tiêu theo đuổi của ông Kim Jong-un và ông Donald Trump khi tới hội nghị lần này là khác nhau. Về phía Triều Tiên, ông Kim muốn Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi đưa ra bất kỳ biện pháp nào liên quan tới phi hạt nhân hóa.

PV báo Người đưa tin phỏng vấn cây viết của tờ SCMP.

“Trong khi đó, ông Trump muốn thấy nỗ lực của Bình Nhưỡng đối với chương trình hạt nhân và tên lửa trước khi từ bỏ cấm vận Triều Tiên. Rõ ràng, lợi ích đôi bên xung đột – đây chính là một trong những lý do chính dẫn tới việc hội nghị kết thúc mà không có thỏa thuận hay tuyên bố chung nào được ký kết”, anh Lee nhận xét.

“Ngoài ra, một lý do khác là việc ông Trump đã ám chỉ rằng ông hiểu rõ câu chuyện phía sau nhà máy hạt nhân Yongbyon. Về căn bản, Bình Nhưỡng nói rằng họ sẽ phá hủy nhà máy hạt nhân này nhưng hôm nay trong cuộc họp báo ông Trump cho hay, ông đã nói với phía Bình Nhưỡng rằng Washington biết vẫn còn các hoạt động liên quan tới nhà máy hạt nhân ở Triều Tiên.

Dường như phía Mỹ đã khiến Triều Tiên bất ngờ khi khẳng định rằng họ biết về các hoạt động hạt nhân của Bình Nhưỡng nên phía Triều Tiên cần thêm thời gian để suy nghĩ về điều đó và cách xử lý vấn đề này. Đây cũng chính là lý do mà theo tôi khiến hội nghị thượng đỉnh không đạt được thỏa thuận”, cây viết của tờ SCMP lý giải.

Theo anh Lee, chắc chắn Mỹ và Triều Tiên sẽ gặp thêm trong tương lai. Tuy nhiên, họ cần phải đạt được những nền tảng thỏa thuận vững chắc hơn, trước khi tiến đến bất kỳ cuộc gặp nào trong thực tế để biến những cuộc thảo luận thành hành động.

“Tôi rất mong muốn quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ trở nên tốt đẹp hơn trong tương lai. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn Bình Nhưỡng sẽ tiến hành phi hạt nhân hóa, sau đó Hàn Quốc và Triều Tiên có thể cùng hợp tác phát triển kinh tế”, anh Lee Jeong-ho kết luận.

Hoàng Bích - Danh Tuyên