Đối thoại

Đang tồn đọng hàng chục nghìn đơn đăng ký nhãn hiệu, bằng sáng chế

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu nguyên nhân một phần do những năm qua, kinh tế phát triển nên các doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu, bằng sáng chế tăng cao.

Nhu cầu đăng ký nhãn hiệu, bằng sáng chế tăng cao

Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt, đại biểu Đinh Ngọc Quý (đoàn Gia Lai) chất vấn tình trạng xử lý đơn đăng ký bảo hộ quyền sử dụng công nghiệp tồn đọng, rất chậm trễ và kéo dài.

Đặc biệt, đối với đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, thậm chí dẫn đến những tranh chấp thương mại.

ĐBQH Đinh Ngọc Quý (Ảnh: Quochoi.vn).

"Lượng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, sáng chế tồn đọng rất lớn. Đây là điều bộ rất trăn trở", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt thừa nhận.

Người đứng đầu Bộ KH&CN cho biết, nguyên nhân một phần do những năm qua, kinh tế phát triển nên các doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu, bằng sáng chế tăng cao. Ở nước ta, đây vẫn là lĩnh vực mới, trong khi các nước đã làm từ mấy trăm năm.

Bên cạnh đó, ông Đạt cho biết đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế, các thủ tục và quy trình tiếp nhận, xem xét, xử lý hồ sơ còn chậm. Việc chậm ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý hồ sơ cũng khiến việc giải quyết yêu cầu bị chậm trễ.

"Tồn đọng hồ sơ này cũng đang gây khó khăn cho bộ khi chỉ số cải cách hành chính của bộ những năm qua đều bị trừ điểm", ông Đạt cho hay.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị nói rõ số hồ sơ tồn đọng, ông Đạt cho biết tính đến ngày 31/12/2022, còn khoảng 64.000 đơn đăng ký nhãn hiệu chậm xử lý, đơn cấp bằng sáng chế cũng tồn đọng hàng chục nghìn đơn.

Giải pháp căn cơ được ông Đạt đưa ra là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và điều chỉnh quy trình nhận đơn và xét chọn để đẩy nhanh việc giải quyết hồ sơ.

“Chúng tôi không chủ quan, nhưng cũng đặt mục tiêu đến năm 2025-2026 sẽ khắc phục hạn chế này", ông nói.

Thị trường KHCN Việt Nam phát triển chậm

Tham gia chất vấn, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) hỏi: Để phát triển thị trường khoa học, công nghệ từ năm 2011 đến nay, bộ máy quản lý Nhà nước về khoa học, công nghệ đã được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành. Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030.

Mặc dù vậy, thị trường khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao thị trường khoa học công nghệ Việt Nam vẫn chưa phát triển? Trong thời gian tới cần tập trung thực hiện giải pháp căn cơ nào để phát triển thị trường khoa học công nghệ?

Ngoài ra, theo báo cáo, Bộ KH&CN đánh giá phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ quan tâm đầu tư ứng dụng, đổi mới, nghiên cứu và phát triển công nghệ, năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ còn rất yếu kém.

Đây là rào cản lớn đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, thời gian tới cần có cơ chế, chính sách như nào để nâng cao năng lực, thúc đẩy ứng dụng, đổi mới nghiên cứu và phát triển công nghệ của các doanh nghiệp?

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn sáng 7/6 (Ảnh: Quochoi.vn).

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay, các chính sách, cơ chế pháp luật để điều chỉnh đã có, quan trọng là áp dụng và triển khai ra sao trong thực tiễn.

Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã ban hành các quy định, thông tư để thúc đẩy hoạt động này. Kết quả đạt được là nhiều công nghệ mới, tiên tiến được triển khai trong các lĩnh vực viễn thông, xây dựng, giao thông vận tải.

Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, giá trị sản xuất, giá trị sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Những kết quả này là sự cố gắng từ các cơ quan lãnh đạo từ Bộ KH&CN, các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, ngoài những thành tựu cũng còn những khó khăn, hạn chế, nhất là cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy tốt, các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kèm chưa hiểu quả. Nguồn lực từ ngân sách, từ doanh nghiệp cho hoạt động này còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật còn hạn chế, đặc biệt là đối với các công nghệ tiên tiến.

Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh các cơ chế, chính sách. Bộ cũng sẽ điều chỉnh các quy định phù hợp với thực tiễn.

“Chúng tôi sẽ thúc đẩy chương trình về tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ phát triển công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam, đó là một giải pháp căn cơ nhất”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

Theo Bộ trưởng, đây là những biện pháp, giải pháp Bộ KH&CN đề xuất để làm sao tăng cường công tác tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp góp phần vào sức cạnh tranh của nền kinh tế.