Xu hướng thị trường

Đằng sau văn bản khẩn xin 39 tỷ trả tiền lương của ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM

Sau lùm xùm hàng chục lãnh đạo ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM năm lần bảy lượt đệ đơn xin được nghỉ việc hồi cuối năm ngoài, cho đến nay, người lao động tại đây vẫn chịu cảnh nợ lương, thiếu tiền, thiếu cả nhiệt huyết làm việc.

Ban quản lý đường sắt đô thị (BQL) vừa có văn bản khẩn gửi UBND TP.HCM xin tạm ứng 39 tỷ đồng để chi tiền lương, thu nhập, khen thưởng và phúc lợi, đào tạo... cho người lao động nhằm duy trì hoạt động ổn định.

Động thái này được BQL đưa ra do tình hình kinh phí hoạt động tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi chưa được tạm ứng tiền kịp thời. Vấn đề này Ban đã có văn bản kiến nghị từ tháng 11 năm ngoái và lãnh đạo TP HCM đã họp nhiều lần để giải quyết vướng mắc.

Tính từ cuối tháng 1 đến nay, cán bộ, viên chức và người lao động của ban chỉ nhận được hai tháng lương theo mức lương cơ sở để chăm lo Tết Nguyên đán và đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Tiền dùng để chi trả được lấy từ tiền tạm ứng không sử dụng hết từ năm 2018.

Theo BQL, tình hình khó khăn một lần nữa làm tinh thần của đa số cán bộ, viên chức người lao động bất an vì thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM  đang dồn sức ổn định công tác tổ chức bộ máy, lấy lại niềm tin từ các nhà tài trợ, các nhà thầu để cùng tăng tốc hoàn thành dự án metro số 1 vào cuối năm 2020, sớm khởi động Metro 2. Việc ổn định thu nhập cho nhân sự tại ban là điều rất quan trọng.

Làm ăn bết bát, Ban quản lý đường sắt đô thị xin TP.HCM tạm ứng 39 tỷ trả lương nhân viên.

Do đó, Ban Quan lý Đường sắt đô thị TP HCM xin tạm ứng 39 tỷ đồng để chi tiền lương, thu nhập, tiền thưởng, phúc lợi, chi đào tạo và các khoản phí khác để duy trì hoạt động trong năm 2019. Ban cũng đề nghị UBND TP giao Sở Tài chính khẩn trương thực hiện thủ tục tạm ứng cho Ban từ nguồn ngân sách TP; giao Ban Quản lý đường sắt đô thị nghiên cứu đề xuất mô hình, cơ chế đặc thù trong Quý 2/2019 để báo cáo UBND TP xem xét quyết định hoặc trình HĐND TP quyết định.

Khởi công vào cuối tháng 8/2012, tuyến Metro Số 1 đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Hiện, công trình đã hoàn thành được 62% khối lượng.

Thời gian qua dự án gặp nhiều rắc rối như: Trưởng ban MAUR- ông Lê Nguyễn Minh Quang đã chính thức nghỉ việc sau 3 lần nộp đơn, Phó BQL tự ý đi nước ngoài khi chưa được phép, Trưởng ban xin nghỉ vì lý do sức khỏe, khủng hoảng nhân sự; dự án cũng liên tục rơi vào cảnh thiếu vốn; tổng mức đầu tư chưa được phê duyệt do bị đội vốn... 

Khi còn tại vị, ông Lê Nguyễn Minh Quang từng chia sẻ với Pv báo Dân Trí rằng do việc điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến metro số 1 kéo dài nên ảnh hưởng đến công việc tại đơn vị và tinh thần cán bộ, nhân viên.

“Tình hình vốn liếng không có, thi công dự án chậm trễ nên anh em mất nhiệt huyết”, ông Quang chia sẻ. Ngoài ra, nhân sự xin nghỉ việc cũng do ban quản lý Đường sắt đô thị “hết tiền”.

Nói về việc này, ông Quang cho biết kinh phí quản lý dự án ban đầu chỉ tính trong 5 năm. Tuy nhiên, đến nay dự án có thể kéo dài đến 10 năm nên “hết tiền”.

Liên quan việc Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một số sai sót tại dự án, mới đây, UBND TP HCM đã yêu cầu BQL và các sở ngành rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện, kiểm điểm trách nhiệm trước tháng 3.

Trong cuộc gặp Thứ trưởng thường trực Ngoại giao Nhật Bản Toshiko Abe chiều 18/1, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cam kết, trong lúc chờ điều chỉnh vốn, chính quyền thành phố sẽ tạm ứng vốn từ ngân sách để thanh toán khối lượng công việc nhà thầu thực hiện trong năm 2018 đầu năm 2019, khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.

Đình Văn (Tổng hợp)