Tiêu điểm thế giới

Đằng sau làn sóng biểu tình gây hỗn loạn ở Pháp

Làn sóng biểu tình trên khắp nước Pháp nhằm phản đối việc chính phủ áp thuế cao hơn đối với nhiên liệu đã gây nhiều tổn hại về vật chất và khiến giới lãnh đạo nước này không khỏi “đau đầu”.

Bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng Tập hợp quốc gia theo đường lối cực hữu, ngày 24/11 đã đổ lỗi cho Chính phủ Pháp về tình trạng bạo lực bùng phát trong cuộc biểu tình ở Paris nhằm phản đối chính sách tăng thuế xăng dầu.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình BFMTV, bà Le Pen nhấn mạnh Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner phải chịu trách nhiệm vì cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn. Theo bà, đó là kết quả của chiến lược căng thẳng do chính phủ sử dụng trong tuần qua để tìm cách ngăn chặn phong trào “Áo vàng”.

Bà Le Pen phủ nhận đã kêu gọi tiến hành cuộc biểu tình trên đại lộ Champs Elysees như lời cáo buộc của Bộ trưởng Castaner. Bà khẳng định không ủng hộ các hành động bạo lực, vì điều này "sẽ làm mất uy tín một phong trào phản đối hợp pháp”.

Đám đông người biểu tình tập trung ở khu vực trung tâm thủ đô Paris ngày 24/11.

Ngày 24/11, các cuộc biểu tình phản đối việc chính phủ Pháp tăng thuế nhiên liệu tiếp tục nổ ra trên toàn nước Pháp, làm bùng phát bạo lực và gây nhiều tổn hại vật chất.

Theo công bố của Bộ Nội vụ Pháp, có gần 30.000 người biểu tình “áo vàng” trên toàn nước Pháp trong ngày 24/11, riêng tại thủ đô Paris có khoảng 8.000. Đặc biệt, theo lời kêu gọi của đảng Tập hợp Quốc gia, khoảng 5.000 người đã tập trung biểu tình tại đại lộ Champs Élysées, đại lộ trung tâm tại thủ đô Paris.

Cơ quan an ninh Pháp đã phải bố trí khoảng 5.000 cảnh sát và hiến binh quốc gia tại trung tâm thủ đô để đảm bảo trật tự. Tuy nhiên, bạo lực đã nhanh chóng bùng phát giữa những người biểu tình “áo vàng” và lực lượng cảnh sát. Cảnh sát thường xuyên phải sử dụng lựu đạn hơi cay và vòi rồng để đẩy lui đám đông biểu tình quá khích.

Bên cạnh đó, người biểu tình tại thủ đô Paris đã đập phá các cửa hàng, các công trình công cộng trên đường, đốt phá nhiều tài sản công, xe hơi đỗ ven đường. Tính đến đầu giờ chiều, cảnh sát Pháp đã bắt giữ ít nhất 26 trường hợp quá khích.

Ngoài thủ đô Paris, các khu vực khác trên toàn nước Pháp cũng nổ ra bạo lực, đặc biệt tại khu vực Pas-de-Calais, khiến ít nhất 8 cảnh sát bị thương, trong đó có 1 người bị thương nặng và nhiều người biểu tình bị bắt giữ.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner xác nhận nhà ông đã bị người biểu tình "áo khoác vàng" tấn công khi xuống đường thể hiện sự phản đối với việc tăng thuế nhiên liệu.

Bộ trưởng Castaner đang đứng ở vị trí đầu sóng ngọn gió trước phong trào biểu tình rộng khắp và kéo dài của người dân.

Qua các phương tiện truyền thông, ông không ít lần trách cứ một số người biểu tình đã vượt quá quy định của pháp luật khi tấn công vào lực lượng gìn giữ an ninh hoặc ngăn cản lực lượng cứu hộ giải tỏa chướng ngại vật trên đường để người dân khác có thể đi lại bình thường.

"Có những hành vi bạo lực, những câu chửi thề, những ngôn từ mang tính phân biệt chủng tộc, bài Do Thái, kỳ thị giới tính", Bộ trưởng Nội vụ Pháp chỉ rõ và cho biết nhà ông, khi đó chỉ có vợ và con gái ông đang ở, bị tấn công ngày 22/11.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích những người đụng độ với cảnh sát Paris trong cuộc biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng là “đáng xấu hổ”.

“Thật đáng xấu hổ cho những ai tấn công các sỹ quan cảnh sát” – ông Macron viết trên mạng xã hội Twitter. “Không có chỗ cho bạo lực như vậy ở nước (Pháp) Cộng hòa này”.

Phong trào biểu tình phản đối việc chính phủ Pháp tăng giá nhiên liệu nổ ra từ một tuần trước trên khắp nước Pháp.

Đào Vũ