Thế giới

Đằng sau động thái mới nhất của Nga ở Biển Đen

Các chuyên gia Mỹ cho rằng việc Nga tuyên bố đóng hành lang an toàn ở Biển Đen là một sự leo thang và nguy cơ về một cuộc chiến thương mại toàn diện.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 19/7 tuyên bố sẽ coi tất cả các tàu hướng đến các cảng của Ukraine trên Biển Đen là những phương tiện có khả năng vận chuyển hàng quân sự và các quốc gia có cờ treo trên những con tàu như vậy sẽ là các bên dính líu tới cuộc xung đột ở Ukraine và đứng về phía chính quyền Kiev.

Động thái trên diễn ra vài ngày sau khi Nga quyết định rút khỏi thỏa thuận ký kết vào tháng 7 năm ngoái với Liên Hợp Quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian nhằm đảm bảo việc vận chuyển ngũ cốc Ukraine an toàn qua qua vùng biển này trong bối cảnh xung đột giữa Moscow và Kiev.

“Liên quan đến việc chấm dứt Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen và kết thúc hành lang nhân đạo trên biển, từ 00h00 giờ Moscow (4h00 giờ Việt Nam) ngày 20/7/2023, tất cả các tàu hướng đến các cảng của Ukraine trên Biển Đen sẽ bị coi là những phương tiện có khả năng vận chuyển hàng quân sự”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

Nga cũng tuyên bố rằng từ nay các vùng biển quốc tế ở phía Đông Nam và Tây Bắc của Biển Đen tạm thời không an toàn cho hàng hải, nhưng không đưa ra chi tiết về các vùng biển sẽ bị ảnh hưởng.

Video các lực lượng Nga phá hủy quả thủy lôi trôi dạt ở Biển Đen, ngày 19/7/2023

 

Trước đó, hôm 19/7, Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết các lực lượng của họ đã phá hủy một quả thủy lôi được cho là do Ukraine rải bị trôi dạt ở phía Tây Nam của Biển Đen.

Quả thủy lôi được phát hiện bởi Hạm đội Biển Đen của Nga đã trôi nổi khoảng 180 km về phía Đông Bắc của Eo biển Bosphorus và bị phá hủy bằng súng máy bắn từ một chiếc trực thăng Ka-27 của Nga (NATO gọi là Helix - Ốc sên), Bộ này cho biết.

Sự leo thang trên Biển Đen

Trang tin của Viện Hải quân Mỹ (USNI News) hôm 19/7 dẫn một tuyên bố từ Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết họ có thông tin tình báo rằng Nga đã rải thủy lôi ở Biển Đen nhằm cản trở xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Động thái này có thể được Nga sử dụng để biện minh cho các cuộc tấn công trong tương lai nhằm vào các tàu dân sự và đổ lỗi cho Ukraine, theo tuyên bố mà USNI News tiếp cận được.

“Ngoài nỗ lực phối hợp này ở Biển Đen, chúng tôi đã quan sát thấy rằng Nga đã nhắm mục tiêu vào các cảng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine ở Odessa bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các ngày 18 và 19/7, dẫn đến phá hủy cơ sở hạ tầng nông nghiệp và 60.000 tấn ngũ cốc”, tuyên bố cho biết.

Nga nhiều lần khẳng định rằng các cuộc tấn công của họ là nhằm vào các cơ sở hạ tầng quân sự và kho đạn của Ukraine.

Liên quan đến tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga về việc chấm dứt hành lang an toàn ở Biển Đen nói trên, Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết điều đó nghĩa là Nga có thể nhắm mục tiêu vào các tàu dân sự bị nghi ngờ chở hàng quân sự.

Ông James Kraska, một chuyên gia luật hàng hải, nói với USNI News hôm 19/7 rằng theo luật pháp quốc tế, tuyên bố cho phép các lực lượng Nga lên tàu và khám xét các tàu bị nghi ngờ vận chuyển vũ khí.

“Nga có quyền làm điều đó theo Luật Visit & Search”, ông Kraska cho biết. “Họ có quyền lên tàu để kiểm tra xem có vũ khí nào trên tàu hay không”.

Một nhà kho chứa ngũ cốc tại một cảng biển bị hư hại trong một cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào một địa điểm không được tiết lộ ở Odessa, Ukraine, ngày 19/7/2023. Ảnh: Daily Sabah

Tuy nhiên, mối quan ngại là nếu Nga quyết định tấn công các tàu đến hoặc đi từ Ukraine, ông Sal Mercogliano, Phó Giáo sư tại Đại học Campbell (Bắc Carolina, Mỹ), cho biết.

“Những gì các vị đang thấy là sự leo thang trên Biển Đen, và điều đáng lo ngại là nếu Nga tấn công các tàu đi đến Ukraine, thì điều gì sẽ ngăn Ukraine tấn công các tàu đi từ Nga?”, ông Mercogliano nói, cho rằng kết quả sẽ là một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Ukraine và Nga nhắm vào tàu của các bên thứ ba, chủ yếu chở thực phẩm, nhiên liệu và phân bón.

Hộ tống có vũ trang để bảo vệ các tàu buôn có thể là một giải pháp, nhưng câu hỏi đặt ra là ai sẽ cung cấp dịch vụ này, ông Mercogliano nói. Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng eo biển Bosphorus không cho bất kỳ tàu chiến nào không có trụ sở ở Biển Đen được vào Biển Đen.

Theo ông Mercogliano, Thổ Nhĩ Kỳ có thể cung cấp một lực lượng hộ tống có vũ trang, cũng như Romania và Bulgaria với tư cách là các quốc gia Biển Đen. NATO cũng có thể cung cấp hỗ trợ trên bờ hoặc đưa các đội lên tàu.

“Câu hỏi đặt ra là một quốc gia muốn tham gia chuyện này đến mức nào? Các vị biết đấy, Mỹ vừa triển khai một tàu khu trục và các tiêm kích F-35, F-16 để bảo vệ các tàu buôn ra khỏi Eo biển Hormuz trước các nguy cơ từ Iran”, ông Mercogliano cho biết. “Tuy nhiên, có vẻ như Mỹ sẽ không làm điều tương tự đối với các tàu ở Biển Đen”.

“Động thái cực kỳ rủi ro”

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen do Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ làm trung gian, nhằm tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản của Nga và Ukraine, đã hết hạn vào ngày 17/7, sau khi Nga từ chối gia hạn.

Moscow phàn nàn rằng một thỏa thuận song song nhằm nới lỏng các quy định đối với xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga đã không được thực hiện. Trong khi đó, Kiev đã kêu gọi đảm bảo an ninh để cho phép thỏa thuận được tiếp tục mà không cần sự tham gia của Nga. 

Hôm 17/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã gửi thư tới Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, yêu cầu họ gia hạn thỏa thuận ngũ cốc mà không có Nga. Ông lập luận rằng Ankara và LHQ sẽ có thể tự mình “đảm bảo hoạt động của hành lang xuất khẩu và kiểm tra tàu”.

Nhưng hãng Bloomberg hôm 18/7 dẫn nguồn thạo tin cho biết, Ankara rất có thể sẽ từ chối bất kỳ yêu cầu nào từ Kiev về việc sử dụng tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ để hộ tống các tàu chở ngũ cốc của Ukraine ở Biển Đen.

Tàu TQ Samsun treo cờ Thổ Nhĩ Kỳ, chở ngũ cốc theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, đi qua eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 18/7/2023. Ảnh: NY Post

Việc cung cấp lực lượng hộ tống quân sự sẽ là một “động thái cực kỳ rủi ro” đối với Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara khó có thể đồng ý nếu được Kiev chính thức tiếp cận đặt vấn đề, theo nguồn tin của Bloomberg.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tự gây nguy hiểm cho các tàu hải quân của mình, và thay vào đó tập trung vào việc cố gắng khôi phục thỏa thuận ngũ cốc với sự tham gia của Nga thông qua các biện pháp ngoại giao, nguồn tin cho biết thêm.

Hôm 18/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo rằng các quốc gia tiếp tục xuất khẩu nông sản qua Biển Đen sẽ phải đối mặt với “những rủi ro nhất định”. “Do đó, nếu một số thỏa thuận được chính thức hóa mà không có Nga, thì những rủi ro này cần được tính đến”, ông Peskov lưu ý.

Tổng thống Erdogan cho biết hồi đầu tuần rằng, ông tin Tổng thống Nga Vladimir Putin quan tâm đến việc duy trì thỏa thuận ngũ cốc. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hứa sẽ thảo luận về các lựa chọn gia hạn thỏa thuận và “cách chúng tôi có thể hành động để mở đường cho việc vận chuyển phân bón và ngũ cốc của Nga” trong chuyến thăm của ông Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 8. Tuy nhiên, Điện Kremlin vẫn chưa xác nhận rằng một chuyến đi như vậy đang được lên kế hoạch.

Hôm 19/7, ông Peskov cho biết LHQ có 90 ngày để bình thường hóa xuất khẩu nông sản của Nga sau sự sụp đổ của thỏa thuận ngũ cốc, bao gồm cả việc kết nối lại ngân hàng nông nghiệp thuộc sở hữu nhà nước của Nga Rosselkhozbank với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, trước khi Moscow ngừng hoàn toàn nỗ lực khôi phục thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine.

Minh Đức (Theo Reuters, RT, USNI News)