Tiêu điểm

Đăng ký giá đất tránh tình trạng chỉ là thủ tục hành chính

Bà Thảo đề xuất, Chính phủ cần ban hành các quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện hoạt động đăng ký giá đất, tạo thuận lợi cho những người tham gia giao dịch.

Tại Hội thảo góp ý Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 28/2, Ths.NCS Phùng Thị Phương Thảo, Học viện Phụ nữ Việt Nam  tham gia góp ý kiến về điểm mới trong dự thảo Luật liên quan đến đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tiếp cận dưới khía cạnh quản lý Nhà nước về đất đai, những vấn đề điều chỉnh trong dự thảo Luật Đất đai 2013 sửa đổi.

Theo bà Thảo, đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đấtđược quy định từ Điều 132 đến Điều 146 dự thảo Luật Đất đai 2013.

Dưới góc độ liên quan đến hoạt động đăng ký đất đai, bà Thảo cho biết một trong những điểm mới liên quan đến hoạt động này đó là quy định liên quan đến đăng ký đất đai, quy định liên quan đến việc người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất khi thực hiện các giao dịch đối với quyền sử dụng đất phải thực hiện hoạt động đăng ký giá đất theo quy định của Chính phủ.

Ths.NCS Phùng Thị Phương Thảo, Học viện Phụ nữ Việt Nam tham gia góp ý tại Hội thảo (Ảnh: Phạm Tùng).

“Với góc nhìn cá nhân, tôi thấy rằng đây là một quy định mới trong dự thảo nhằm kiểm soát giá đất trong các giao dịch về quyền sử dụng đất; nhằm hạn chế tình trạng kê khai không đúng giá trị thực trong các giao dịch về quyền sử dụng đất gây thất thu cho ngân sách Nhà nước trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong Dự thảo hiện nay mới chỉ đang đưa ra phải đăng ký, còn quy định cụ thể về hoạt động đăng ký giá đất như thế nào thì đang chờ hướng dẫn.

Do đó, Chính phủ cần ban hành các quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện hoạt động đăng ký giá đất, tạo thuận lợi cho những người tham gia giao dịch làm sao để tránh tình trạng chỉ là thủ tục hành chính cản trở giao dịch”.  

Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, bà Thảo cho biết có hai vấn đề lớn:

Thứ nhất, về bản chất công nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định tại khoản 37 Điều 3 Dự thảo Luật đất đai 2013 sửa đổi: “Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu cho người đang sử dụng đất ổn định đối với thửa đất xác định theo quy định của Luật này”.

Như vậy, với cách giải thích như trên, chúng ta có thể hiểu bản chất của công nhận quyền sử dụng đất là hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người đang sử dụng đấtổn định đối với thửa đất xác định theo quy định của Luật này.

Tuy nhiên, theo quan điểm của bà Thảo, nếu giải thích như trên là chưa đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định trong Luật đất đai bởi tại Điều 5 Dự thảo Luật đất đai 2013 sửa đổi ghi nhận: công nhận quyền sử dụng đất là một trong những phương thức Nhà nước cho phép người sử dụng đất được tiếp cận đất đai, cụ thể: “Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất; thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao theo quy định của Luật này;

Quang cảnh buổi Hội thảo (Ảnh: Phạm Tùng).

Giữa hai quy định về công nhận quyền sử dụng đất và quy định về người sử dụng đất dưới góc độ này bà Thảo cho rằng chưa thống nhất. Theo bà Thảo, chính sự chưa thống nhất này dẫn đến quy định liên quan đến thẩm quyền cấp giấy, cũng như thẩm quyền công nhận quyền sử dụng đất đang có sự mâu thuẫn nhất định. Vì vậy, cần phải có sự thống nhất, làm rõ bản chất vấn đề.

Nội dung thứ hai được bà Thảo đưa ra là quy định về công nhận quyền sử dụng đất. Các quy định tại Điều 136 chưa thống nhất, như khoản 1 Điều 136 quy định “chỉ cần điều kiện đất sử dụng ổn định”.

“Vậy trong quá trình sử dụng đất ổn định đó, khi thực hiện hoạt động công nhận quyền sử dụng đất và có tranh chấp xảy ra thì vấn đề cấp giấy sẽ như thế nào? Hay mặc nhiên theo quy định này kể cả có tranh chấp thì sẽ được cấp giấy?”, bà Thảo đặt câu hỏi.

Trong khi đó, các quy định khác trong khoản 2, khoản 3 Điều 136 thì lại có quy định là phải không có tranh chấp.

Do đó, bà Thảo đề nghị điều kiện về mặt không có tranh chấp nêu trên cần phải làm rõ trong dự thảo Luật, để có sự thống nhất, đồng bộ và dễ dàng hơn trong áp dụng thực tế.

Xem thêm:

[Trực tiếp] Hội thảo góp ý Luật Đất đai (sửa đổi)

Sửa Luật Đất đai góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội

10 nội dung mới tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)