Chính sách

Đăng kiểm phương tiện giao thông còn tiêu cực: Bộ GTVT cam kết gì?

Bộ Giao thông Vận tải cam kết sẽ tiếp tục rà soát, tăng cường quản lý công tác đăng kiểm phương tiện giao thông đồng thời có biện pháp quản lý tốt công tác đào tạo và cấp bằng lái xe để giảm thiểu tai nạn giao thông.

Đây là nội dung chính trong nội dung Bộ Giao thông Vận tải trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thái Bình về việc đề nghị Nhà nước và ngành giao thông vận tải tiếp tục rà soát, tăng cường quản lý công tác đăng kiểm phương tiện giao thông, hiện còn nhiều tiêu cực, nhiều xe khi xảy ra tai nạn mới biết không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật vẫn lưu thông. Có biện pháp quản lý tốt công tác đào tạo và cấp bằng lái xe để giảm thiểu tai nạn giao thông.

Bộ GTVT tăng cường kiểm soát chặt chẽ trong công tác tổ chức sát hạch, đào tạo lái xe.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, về công tác kiểm định xe cơ giới, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động và phòng, chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm như: Hệ thống camera IP được lắp đặt tại tất cả các Trung tâm đăng kiểm được kết nối với đường truyền internet tốc độ cao và toàn bộ hình ảnh quá trình kiểm định được giám sát từ văn phòng Cục đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN), đồng thời các dữ liệu này được lưu trữ tối thiểu 30 ngày để đảm bảo công tác hậu kiểm của các cơ quan chức năng.

Áp dụng các trang thiết bị kiểm tra đồng bộ, hiện đại không thể can thiệp vào quá trình hoạt động cũng như bảo mật cao nhất theo như khuyến nghị của Tổ chức Đăng kiểm ô tô quốc tế.

Ngoài việc áp dụng các việc trên, Cục ĐKVN đã bố trí một bộ phận chuyên trách bí mật thực hiện kiểm tra đột xuất hoạt động của công tác kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm, đồng thời thực hiện việc phúc tra lại kết quả để đánh giá mức độ chấp hành các quy định của pháp luật về công tác đăng kiểm của các trung tâm.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, hàng năm, các trung tâm đăng kiểm phải được Cục ĐKVN kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định pháp luật liên quan và các điều kiện trang thiết bị trong dây chuyền kiểm định, đảm bảo hoạt động chính xác của hệ thống.

Thông qua công tác kiểm tra đánh giá đột xuất và định kỳ, năm 2018 đã phát hiện và xử lý kỷ luật đình chỉ đối với 72 đăng kiểm viên; đình chỉ hoạt động của 6 dây chuyền kiểm định, đình chỉ hoạt động đối với 2 đơn vị đăng kiểm.

Từ đầu năm 2019 đến nay, đã thực hiện 25 đợt kiểm tra chuyên ngành các đơn vị đăng kiểm, phát hiện và xử lý kỷ luật đình chỉ có thời hạn đối với 15 đăng kiểm viên, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới đối với Trung tâm đăng kiểm 9803D.

Hàng năm, Thanh tra Bộ GTVT cũng đều có kế hoạch thanh tra định kỳ với công tác này. Năm 2018 đã kiến nghị cảnh cáo 2 Trung tâm đăng kiểm, đình chỉ hoạt động kiểm định đối với 7 đăng kiểm viên, không công nhận kết quả thực tập của 06 đăng kiểm viên thực tập. Đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật quy định trách nhiệm xử lý vi phạm trong công tác đăng kiểm.

Năm 2019 đã và đang thực hiện công tác thanh tra các Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn của 18 tỉnh thành trên cả nước.

Về công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, theo báo cáo phân tích về tai nạn giao thông cho thấy do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Hiện chương trình đào tạo lái xe của Việt Nam đã phù hợp với một số nước tiến tiến trên thế giới; đồng thời giấy phép lái xe của Việt Nam đã được 75 nước là thành viên của Công ước về giao thông đường bộ năm 1968 công nhận.

Qua thống kê thực tế từ các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy: Thâm niên lái xe của người điều khiển phương tiện gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng là trên 8 năm; nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn do lái xe sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định. Lái xe sử dụng ma túy hoặc lái xe liên tục quá thời gian quy định.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong thực tế việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hiện nay vẫn còn một số những tồn tại tại một số cơ sở đào tạo còn chạy theo lợi nhuận, chưa đảm bảo đủ nội dung của chương trình đào tạo. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ là yêu cầu cấp bách, là một trong các giải pháp góp phần giảm thiểu tai nạn thông trong thời gian tới.

Đưa ra các biện pháp, Bộ Giao thông Vận tải đã đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Cụ thể là hoàn thiện Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

"Trong tháng 9/2019 sẽ sửa đổi, bổ sung thêm 150 câu hỏi dùng cho sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (bộ câu hỏi hiện tại là 450 câu sẽ được tăng lên thành 600 câu hỏi). Bổ sung vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt trình Chính phủ xem xét, ban hành", lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.

Hoàng Mai