Tiêu dùng & Dư luận

"Cay đắng" tương ớt, "mặn chát" vì nước mắm, tỷ phú Masan khẳng định "không tranh thủ mọi cơ hội để kiếm lời"

Lùm xùm nước mắm chưa qua lại đến vấn đề lô hàng 18.000 chai tương ớt Chinsu ở Nhật, những khó khăn ngay đầu năm báo hiệu một kỳ tài chính không mấy suôn sẽ cho tập đoàn Masan. Trong thư gửi cổ đông, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang khẳng định: “Masan được thành lập không phải với mục tiêu để trở thành một tập đoàn kinh doanh tỷ đô và tranh thủ mọi cơ hội tìm kiếm lợi nhuận...".

Masan những ngày gần đây gây chú ý của dư luận khi có thông tin vì doanh nghiệp này tham gia Dự thảo nước mắm mà nội dung dự thảo ban đầu bị xóa bỏ, thay vào đó là những nội dung mới “có lợi” cho Masan nói riêng và nước mắm công nghiệp nói chung, nhưng lại “bức tử” nước mắm truyền thống.

Trong khi dự thảo đang phải dừng công bố để xem xét tính khả thi thì cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan đã nhận ngay tin xấu. Giá cổ phiếu MSN giảm liên tục. Tính từ khi những tranh cãi gay gắt liên quan tới tiêu chuẩn sản xuất nước mắm truyền thống xuất hiện tới ngày 22/3, cổ phiếu MSN đã giảm khoảng 4.300 đồng/cổ phiếu, tương đương gần 5% thị giá. Hơn 5.000 tỷ vốn hóa của công ty cũng theo đó mà “bốc hơi” trên thị trường.

Vẫn chưa hết, mới đây Masan bất ngờ vướng phải lùm xùm liên quan đến việc Nhật Bản ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt nhãn hiệu Chinsu nhập khẩu từ Việt Nam, do có chứa chất phụ gia bị cấm dùng trong thực phẩm.

Tương ớt Chinsu đang dính "lùm xùm" tại thị trường Nhật Bản.

Phía Nhật Bản cho biết tổng cộng có 757 thùng, 18.168 chai tương ớt đã được bán cho Công ty TNHH Công nghiệp ISC từ tháng 10 đến tháng 12/2018.

Trong khi đó đại diện của Masan khẳng định "chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chinsu cho Công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd, 2 doanh nghiệp có liên quan trực tiếp đến lô hàng tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật.

Về vấn đề an toàn thực phẩm, chính lãnh đạo Masan Consumer (công ty con chuyên mảng thực phẩm, gia vị, đồ uống của Masan) cũng phải thừa nhận có khả năng xảy ra rủi ro.

Cụ thể, tại báo cáo thường niên, lãnh đạo Masan Consumer thừa nhận đang phải đối mặt với rủi ro xảy ra tình trạng nhiễm bẩn sản phẩm và bất kỳ vụ nhiễm bẩn nào như vậy sẽ khiến công ty này có nguy cơ bị khiếu nại về trách nhiệm đối với sản phẩm.

Báo cáo của Masan Consumer có đoạn: “Mặc dù chúng tôi đã nỗ lực hết sức, bao gồm cả việc kiểm tra thường xuyên tại nhà máy sản xuất và kiểm tra thường xuyên nguyên vật liệu, chúng tôi không thể hoàn toàn loại trừ nguy cơ nhiễm bẩn”.

Lùm xùm nước mắm chưa qua lại đến vấn đề lô hàng tương ớt Chinsu ở Nhật khiến Masan đang đối mặt với khá nhiều khó khăn về uy tín thương hiệu trên thị trường - đặc biệt là mảng thực phẩm vốn ngày càng coi trọng vấn đề an toàn, vệ sinh. Trong thư gửi cổ đông, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang khẳng định: “Masan được thành lập không phải với mục tiêu để trở thành một tập đoàn kinh doanh tỉ đô và tranh thủ mọi cơ hội tìm kiếm lợi nhuận...".

Báo cáo của Masan Consumer cho thấy, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu nước mắm Nam Ngư và tương ớt Chinsu, thì doanh thu từ gia vị, mì ăn liền đã tăng trưởng trở lại, tăng 35% và 29% so với 2017. Ngành nước tăng lực cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ với mức 36% so với 2017, biên lợi nhuận trước thuế tăng 3%, từ 19,8% trong năm 2017 lên 22,8% trong năm 2018.

Năm 2019, Masan Consumer dự kiến đạt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong khoảng 20% đến 30%.

Thư ngỏ ông Quang gửi cổ đông của Masan

Quay trở lại với bức thư gửi cổ đông của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, tập đoàn Masan hướng tới những mục tiêu kinh doanh cụ thể ở từng lĩnh vực.

Cụ thể, Masan Consumer năm 2018 doanh thu tăng khoảng 30%, lợi nhuận tăng hơn 200%. Riêng lĩnh vực đồ uống doanh thu thuần đạt 200 triệu USD. Tuy nhiên "cũng có những bài học khi tung ra các sản phẩm mới chậm hơn kế hoạch" và "chưa hoàn toàn tìm ra chiến lược để tăng trưởng vượt trội".

Mục tiêu cho năm 2022 với Masan Consumer sẽ trở thành công ty sáng tạo số 1 trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, doanh thu thuần đạt 2 tỷ USD (50% đến từ các thương hiệu và sản phẩm mới), lợi nhuận sau thuế đạt 400 triệu USD.

Đối với Masan Nutri-Science, năm vừa qua là một năm gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng giảm khoảng 25%. Định hướng đến năm 2022, công ty con của Masan sẽ chiếm lĩnh 10% thị phần thị trường thịt heo toàn quốc, xây dựng mạng lưới phân phối thịt lớn nhất toàn quốc. Mảng này cũng sẽ đạt doanh thu 2 tỷ USD vào sau 4 năm tới và lợi nhuận từ 200-250 triệu USD. 

Masan Resources dù đã có nhiều bước tiến trên thị trường song ở mảng này, Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang vẫn nhận định "quá trình chuyển đổi chỉ mới bắt đầu". Kế hoạch theo lộ trình vào năm 2022 sẽ tăng thị phần APT từ 36% lên 50%+ bằng việc tăng công suất chế biến của nhà máy hóa chất vonfram lên 12.000 tấn vào năm 2019; tăng chế biến tinh quặng vonfram và đẩy mạnh tái chế hóa chất vonfram nhằm đảm bảo nguồn cung bền vững và tham gia vào ngành sản xuất vật liệu công nghệ cao toàn cầu vào năm 2020.

Một ngành nghề kinh doanh khá đặc thù và gắn liền với Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang và Phó Chủ tịch Hồ Hùng Anh đó là ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).

Trong thư gửi cổ đông, Chủ tịch Masan cho biết Techcombank đã trở thành ngân hàng cổ phần hàng đầu với doanh thu tăng trưởng trong vòng 13 quý liên tiếp.

Tuy Techcombank giữ vị trí số 1 trong nhóm khách hàng trung lưu với 35% thị phần song nhóm này chỉ chiếm 0,26% dân số. Trong khi đó nước ta có 70% dân số là nhóm khách hàng phổ thông, trong đó 90% trong số này chưa tiếp cận đến dịch vụ ngân hàng. Như vậy, để chiếm lĩnh thị trường thì chắc chắn Techcombank còn rất nhiều việc phải làm.

Về chiến lược tổng thể của tập đoàn, ông Quang định hướng Masan là điểm kết nối những lĩnh vực kinh doanh với hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu hằng ngày của người tiêu dùng: triển khai cửa hàng một điểm đến “a one-stop shop” - nơi giải quyết tất cả vấn đề của khách hàng, từ tài chính, thịt, thực phẩm và đồ uống đến chăm sóc sức khoẻ.

“Đây chính là nền tảng cho tương lai. Sản xuất là giai đoạn đầu tiên của chi tiêu tiêu dùng, giai đoạn tiếp theo là dịch vụ khách hàng mà chúng ta đang muốn dẫn đầu cho sự chuyển đổi. Kế hoạch này đã được Apple và Amazon triển khai khá thành công, chúng ta sẽ cố gắng học hỏi từ họ và có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tế bối cảnh Việt Nam”, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang khẳng định trong bức thư gửi cổ đông.