Thế giới

Đảng cầm quyền Hungary phản đối Ukraine gia nhập EU

Hungary luôn khiến NATO và EU “đau đầu” khi một trong 2 tổ chức này mong muốn thể hiện một mặt trận thống nhất.

Đảng cầm quyền Hungary đã đệ trình một nghị quyết lên Quốc hội kêu gọi Chính phủ không ủng hộ việc bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) đối với Ukraine.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang tăng cường áp lực lên Brussels trước Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng của EU, dự kiến diễn ra vào ngày 14-15/12.

Ông Orban hôm 4/12 đã cảnh báo rằng các nhà lãnh đạo EU có thể không đạt được sự đồng thuận về việc bắt đầu các cuộc đàm phán thành viên với Ukraine và cho biết vấn đề này không nên được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh.

Việc cần có sự nhất trí giữa tất cả các quốc gia thành viên EU để kết nạp một quốc gia mới vào khối mang lại cho Thủ tướng Orban quyền phủ quyết mạnh mẽ. Hungary thường làm phức tạp các nỗ lực của EU nhằm hỗ trợ Ukraine trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga ở quốc gia Đông Âu, mặc dù ông Orban cuối cùng đều đồng ý với tất cả các gói hỗ trợ quân sự cho Kiev và trừng phạt Moscow.

“Chính sách mở rộng của Liên minh châu Âu sẽ vẫn là một quá trình khách quan dựa trên các quy tắc và hiệu suất”, nghị quyết do đảng bảo thủ cầm quyền Fidesz đệ trình lên Quốc hội Hungary hôm 6/12 cho biết. “Việc bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Ukraine phải dựa trên sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu… Ngày nay các điều kiện cho việc này không có sẵn”.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban bắt tay và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3 ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 17/10/2023. Hungary vẫn duy trì quan hệ thân thiện với Moscow dù có tham gia các vòng trừng phạt chống Nga của EU. Ảnh: Getty Images

Nghị quyết cũng cho biết các nhà lãnh đạo EU trước tiên nên đánh giá kỹ lưỡng về việc Ukraine có thể trở thành thành viên sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự gắn kết và chính sách nông nghiệp trong khối, trong đó các thành viên nghèo hơn của EU, bao gồm cả Hungary, là một trong những nước được hưởng lợi chính.

Dòng ngũ cốc Ukraine quy mô lớn tràn vào EU đã gây ra các cuộc biểu tình từ nông dân ở Đông Âu vào năm ngoái, trong khi các tài xế xe tải Ba Lan đã phong tỏa một số cửa khẩu biên giới với Ukraine, kêu gọi EU khôi phục giấy phép hạn chế quá cảnh cho các đối thủ cạnh tranh từ Ukraine.

Theo một tuyên bố từ phủ Tổng thống Pháp, Thủ tướng Orban sẽ gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris vào ngày 7/12, trong đó vấn đề hỗ trợ của châu Âu dành cho Ukraine sẽ được thảo luận, bên cạnh cuộc xung đột giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza.

Các nhà phê bình cáo buộc ông Orban đang cố gắng “tống tiền” Brussels để có được quyền tiếp cận  gần 22 tỷ Euro (24 tỷ USD) tiền tài trợ mà Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành EU, đang đóng băng.

Trong bức thư gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, người sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh ngày 14-15/12 tại Brussels, ông Orban cho biết số tiền mới được EC giải ngân hồi cuối tháng 11 không làm ông thay đổi quan điểm về Ukraine.

Hungary không có đủ phương tiện để thay đổi đáng kể cục diện địa chiến lược, ông Alexander E. Gale, nhà phân tích chuyên về an ninh và quan hệ quốc tế, nhận xét. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, quan điểm đối ngoại của nước thành viên này cũng đủ khiến NATO và EU “đau đầu” khi một trong 2 tổ chức này mong muốn thể hiện một mặt trận thống nhất.

Minh Đức (Theo Al Jazeera, Global Policy Journal)