Cộng đồng mạng

Đang ăn ngon miệng, người đàn ông mừng chảy nước mắt tưởng nhặt được thứ "đắt đỏ nhất thế giới"

Nam thanh niên đang mừng vì phát hiện ngọc trai đen giá trị trong đồ ăn thì đau buồn vì viên ngọc trai bỗng co lại, teo tóp như quả nho khô.

Một Youtuber họ Kim, người Hàn Quốc thường chia sẻ các video ăn uống hải sản. Gần đây, anh Kim đã đăng tải một video ăn vẹm đỏ, thu hút đông đảo sự quan tâm, chú ý của mọi người. Trong video, có thể thấy anh Kim mua rất nhiều vẹm đỏ còn tươi mang về luộc chín. Không ngờ khi chuẩn bị ăn thì phát hiện trên thịt của một trong những con vẹm đỏ có một vật thể tròn màu đen xám, có ánh nhũ mờ, kết cấu khá mềm và đặc sắc.

Hình ảnh viên ngọc trai đen trong một con vẹm đỏ.

Theo VTC News, thoạt nhìn anh Kim không biết nó là gì nên đã chụp ảnh và bóc gỡ vật thể này ra. Sau khi quan sát kỹ lưỡng một lúc, anh Kim nhận ra rằng quả cầu màu đen xám này có lẽ là một viên ngọc trai. Ngay lập tức, anh Kim tìm kiếm thông tin liên quan trên Internet và được biết, ngọc trai đen nuôi cấy nhân tạo sẽ có màu đen và sáng, trong khi ngọc trai đen tự nhiên thường có kết cấu màu xám. Căn cứ vào những tiêu chí này, viên ngọc trai của anh Kim tìm được có màu sắc sáng bóng, độ nhẵn bề mặt, kích thước đều đạt tiêu chuẩn khá tốt.

Bất ngờ với phát hiện thú vị này, anh Kim tìm kiếm tài liệu khắp nơi, cuối cùng tìm thấy một báo cáo từ năm 1987, trong đó nói rằng có người đã tìm thấy ngọc trai đen trong vẹm đỏ, giá trị ước tính vào thời điểm đó lên tới 50 triệu Won (khoảng 898 triệu đồng).

Ngẫm tưởng "vớ được đống tiền", anh Kim sớm tan thành mây khói vì chỉ trong vài ngày, viên ngọc trai đen đã co lại, teo tóp như quả nho khô, ước tính trị giá không quá 1000 won (khoảng 18.000 đồng).

"Nghe nói ngọc trai mà luộc thì sẽ hỏng nhưng tôi mua vẹm đỏ về ăn, tất nhiên là phải nấu lên chứ. Vốn còn tưởng kiếm bộn tiền bằng cách bán ngọc trai đen, nào ngờ tất cả đều là dã tràng xe cát", anh Kim thất vọng chia sẻ.

Trước đó, có một cặp vợ chồng ở Mỹ may mắn hơn anh Kim khi đã phát hiện ngọc trai đắt giá trong món khai vị. Cụ thể, cặp vợ chồng Michael - Maria Spressler ở New Jersey (Mỹ) trở thành những người may mắn khi phát hiện thấy một viên ngọc trai đắt giá khi họ đang thưởng thức món khai vị tại một cửa hàng ăn.

Cặp vợ chồng ăn món khai vị phát hiện ra ngọc bên trong thân vỏ của con trai.

Được biết, mặc dù từng ăn ở nhà hàng này lần đầu tiên vào năm 1987, song đây là bất ngờ mà cả hai vợ chồng đều không thể ngờ tới trong 35 năm qua. Người có được "vinh dự" này là Michael, khi ông đang thưởng thức món khai vị được chế biến từ con trai, thì bất ngờ cảm thấy có thứ gì đó cưng cứng trong miệng.

Viên ngọc trai sau khi được rửa sạch, đo được kích thước với đường kính khoảng 8,8 mm, ước tính trị giá hàng nghìn USD. Tuy nhiên, cặp đôi cho biết không có kế hoạch bán viên ngọc trai quý giá này. Thay vào đó, họ sẽ giữ nó để làm thành một món đồ trang sức.

Cho đến thời điểm hiện tại, viên ngọc trai lớn nhất được tìm thấy ở Philippines vào năm 1934. Viên ngọc này nặng tới 6,4 kg, được một người thợ lặn Philippines tìm ra tại ngoài khơi của đảo Palawan. Viên ngọc này được gọi là "Trân châu của Allah (Thượng đế)" và tên chính thức của nó hiện nay là "Viên trân châu Lão Tử". Theo định giá năm 2006, viên ngọc trai này có giá trị 61.8 triệu USD.

Hiện nay, hầu hết ngọc trai trên thị trường là ngọc trai nuôi, gieo bằng tay với số lượng lớn. Ngọc trai nuôi có giá trị thấp hơn nhiều so với ngọc trai tự nhiên. Giá trị viên ngọc trai cũng phụ thuộc vào kích thước, hình dạng, màu sắc, độ bóng... Ngọc trai nuôi được tạo ra bằng cách cấy một miếng biểu mô màng áo cùng với các hột làm bằng vỏ trai đã chế tác thành hình dạng mong muốn.

Thông tin trên báo Dân Trí, ngọc trai tự nhiên được hình thành bên trong thân của loài nhuyễn thể, như hàu, trai. Đây về cơ bản là cách phản xạ lại để tự chữa lành các vết thương của loài nhuyễn thể bằng cách tiết ra chất bao bọc dị vật bằng những lớp cacbonat calci (CaCO3) dưới dạng chất khoáng aragonit hoặc calcit, được dính với nhau bởi một hợp chất hữu cơ giống chất sừng gọi là conchiolin.

Người ta thường cho rằng một hạt cát chui vào trong vỏ sẽ đóng vai trò của tác nhân kích thích tạo ngọc trai, nhưng trên thực tế thì sự kích thích đó thường hiếm khi xảy ra. Trái lại, tác nhân kích thích điển hình thường thấy là các chất hữu cơ, ký sinh trùng hoặc thậm chí những tổn hại làm chuyển chỗ lớp màng áo sang phần khác của thân thể con vật.

Trúc Chi (t/h)