Thế giới

Dân số Nhật Bản lần đầu tiên giảm ở tất cả 47 tỉnh thành

Nhiều quốc gia phát triển đối mặt tỉ suất sinh thấp nhưng vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở Nhật Bản khi số liệu mới cho thấy dân số nước này giảm năm thứ 14 liên tiếp.

Theo TTXVN, kết quả khảo sát dân số do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố ngày 26/7 cho thấy dân số Nhật Bản đến ngày 1/1 năm nay là 125.416.877, căn cứ vào thông tin đăng ký thường trú cơ bản của chính quyền các địa phương.

Trong số đó, người Nhật là 122.423.038 người, giảm 800.523 người so với năm 2022, là biên độ giảm dân số lớn nhất kể từ năm 1968.

Vùng thủ đô (gồm Tokyo, Saitama, Kanagawa, Chiba), vốn là điểm đến của dòng người di chuyển giữa các địa phương, cũng giảm 0,2%, xuống còn 35.537.661 người.

Ngay cả tỉnh Okinawa luôn là địa phương có tỉ lệ sinh cao nhất cũng giảm, đánh dấu lần đầu tiên Nhật Bản giảm dân số toàn diện trên tất cả các địa phương trong cả nước.

Ở chiều ngược lại, số người nước ngoài ở Nhật Bản tăng lên mức kỷ lục là 289.498 người (tương đương 10,7%) lên 2.993.839 người. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2013, khi Nhật Bản thống kê riêng số lượng người nước ngoài.

Nhật Bản áp dụng các điều luật di trú khá ngặt nghèo, nhưng chính phủ đang dần nới lỏng những quy định đó để ứng phó vấn nạn thiếu lao động.

Thủ đô Tokyo có lượng người nước ngoài tăng cao nhất với 63.231 người, lên mức 581.112 người. Như vậy, dù số lượng người Nhật tại Tokyo giảm năm thứ hai liên tiếp nhưng tổng dân số (gồm cả người nước ngoài) vẫn tăng so với năm trước.

Xếp tiếp sau Tokyo là tỉnh Osaka, Aichi với số lượng người nước ngoài tăng lần lượt là 24.963 người và 19.326 người. Xét theo đơn vị thành phố, thì có tới 1.499/1.747 thành phố ghi nhận số lượng người nước ngoài tăng, chiếm khoảng 85,8%.

Cũng trong năm 2022, Nhật Bản ghi nhận không đến 800.000 ca sinh, con số thấp nhất kể từ khi chính quyền Tokyo tổ chức thống kê dân số.

Theo lịch sử các cuộc khảo sát, dân số Nhật Bản đạt mức cao nhất là 127.076.183 người vào năm 2009 nhưng đã giảm liên tiếp trong 14 năm.

Thủ tướng Fumio Kishida đã nhiều lần tuyên bố đặt ưu tiên hàng đầu trong việc đảo ngược tỉ lệ sinh của đất nước, đồng thời công bố kế hoạch dành khoản chi 3,5 nghìn tỷ yên (tương đương 24,84 tỷ USD) mỗi năm cho việc chăm sóc trẻ em và các biện pháp khác để hỗ trợ cha mẹ, Reuters đưa tin.

Minh Hoa (t/h theo TTXVN, Thanh Niên, Pháp luật Việt Nam)