Môi trường

Dân Nam Sơn không chặn đường, vì sao Hà Nội vẫn ngập rác?

Chính sách đấu thầu tập trung các dự án thu gom rác thải tại Hà Nội 3 năm qua đang bộc lộ nhiều hạn chế: Nhà thầu không đủ năng lực, ngân sách phải bù lỗ...

Rác thải tràn lan vì nhà thầu chậm trả lương công nhân

Những năm qua, trên địa bàn Thủ đô thường xuyên xảy ra tình trạng rác thải ùn ứ nhiều ngày gây mất vệ sinh môi trường đô thị. Đó là vì sự hạn chế năng lực của nhà thầu thu gom rác thải, những bất cập xung quanh hình thức đấu thầu tập trung trong lĩnh vực này.

Mới đây nhất, vào tháng 11/2020, người dân 2 phường Yên Phụ (Tây Hồ) và Cầu Diễn (Nam Từ Liêm) đã phải sống chung với rác thải nhiều ngày vì công nhân vệ sinh môi trường chậm thu gom, vận chuyển. Chia sẻ với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, anh Hoàng Đức Chính - người dân sống tại ngõ 76 An Dương (phường Yên Phụ) - cho biết, hàng tuần nay rác tại khu vực này không được dọn đi, mùi xú uế bốc lên khắp nơi. "Mới đầu, tôi nghĩ do người dân cạnh bãi rác Nam Sơn lại chặn xe rác. Hỏi ra thì mới biết do công nhân bị chậm trả lương nên đã đình công”.

Được biết, những công nhân nói trên thuộc công ty Công nghệ cao Minh Quân (từ tháng 11/2020, công ty đổi tên thành công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội) - đơn vị trúng thầu độc lập gói thầu tập trung cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường từ tháng 3/2017 đến hết năm 2020 tại quận Nam Từ Liêm và là liên danh nhà thầu trúng gói thầu tại quận Tây Hồ. Theo phản ánh của công nhân do công ty Minh Quân quản lý, ngoài việc chậm trả lương công nhân, công ty này còn chậm đóng tiền bảo hiểm cho người lao động và chưa bảo đảm chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn…

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Xuân Sáng - Chủ tịch UBND phường Yên Phụ - cho biết, quận Tây Hồ có 8 phường thì 7 phường còn lại do đơn vị khác thực hiện duy trì vệ sinh môi trường và làm rất tốt. Riêng công ty Minh Quân năng lực còn hạn chế, rất nhiều lần để tồn đọng rác, không thu gom hết rác thải trong ngày…

Để giải quyết tình trạng nêu trên, ngày 20/11/2020, UBND TP. Hà Nội đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng, giao UBND các quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra tình trạng tồn đọng rác thải trên địa bàn; tổ chức kiểm tra thực tế để xác định nguyên nhân, khắc phục tình trạng và xử lý trách nhiệm đối với đơn vị thầu. Thành phố cũng giao công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) phối hợp công ty Minh Quân tại các quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm trong việc thu gom, vận chuyển rác thải tồn đọng và xử lý môi trường tại các khu vực tập kết rác…

Ngoài ra, trong báo cáo gửi Thường trực HĐND TP. Hà Nội hồi tháng Mười, UBND Thành phố cho hay đã có nhiều văn bản yêu cầu các quận, huyện "tăng cường công tác đôn đốc nhà thầu công ty Minh Quân thực hiện đúng yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật đối với gói thầu duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn".

Rác thải sinh hoạt gần 1 tuần nay tại các phố thuộc quận Nam Từ Liêm không được thu dọn.

Có phải lỗi hoàn toàn do nhà thầu?

Tuy nhiên, đi sâu tìm hiểu vụ việc, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật được biết, nguyên nhân của tình trạng trên không hoàn toàn do lỗi từ phía nhà thầu. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Khắc Công - Giám đốc công ty Nam Hà Nội - cho rằng nguyên nhân ùn ứ rác do "khối lượng phát sinh quá nhiều" so với mức khi đấu thầu. Công ty đã đề nghị, song Thành phố chưa có quyết định hạch toán theo khối lượng phát sinh, dẫn đến nguồn thu của doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa bố trí kịp thời một phần lương cho tổ lái xe, tổ công nhân thu gom.

Theo chúng tôi tìm hiểu, nhiều địa bàn do công ty Nam Hà Nội phụ trách, lượng rác thải phát sinh khá lớn. Ví dụ, tại quận Nam Từ Liêm, theo gói thầu thực hiện thì công ty này chỉ vận chuyển khối lượng 207 tấn rác/ngày, số lượng công nhân thực hiện 297 công nhân. Nhưng trên thực tế, đơn vị này phải thực hiện vận chuyển khoảng 320 đến 370 tấn rác/ngày nên đã phải đầu tư thêm 5 xe cuốn ép chuyên dụng và tăng thêm 120 công nhân để thực hiện chuyển rác.

Trong khi đó, ngày 23/9/2020, công ty mới được ký phụ lục điều chỉnh thỏa thuận khung với khối lượng phát sinh khoảng 140 tỷ đồng cho địa bàn các huyện Mê Linh, Thạch Thất, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm nhưng chưa được ký phụ lục hợp đồng để có cơ sở tạm ứng, thanh toán. Xác nhận điều này, ông Hoàng Tuân - Giám đốc trung tâm Mua sắm tài sản công và Thông tin, tư vấn tài chính (sở Tài chính Hà Nội) - cho biết, việc thanh toán chi phí vệ sinh môi trường "còn chậm", dẫn đến đơn vị thu gom chưa có nguồn thanh toán lương và chế độ cho người lao động.

Được biết, năm 2016, UBND TP. Hà Nội thực hiện chủ trương đấu thầu việc duy trì vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác thải giai đoạn 2017 - 2020 với mục tiêu tăng tính chuyên nghiệp, hiện đại hóa các công đoạn duy trì vệ sinh môi trường, cắt giảm các khâu trung gian, giảm chi ngân sách. Do đó, trung tâm Mua sắm tài sản công và Thông tin tư vấn tài chính thuộc sở Tài chính Hà Nội được UBND TP giao tổ chức đấu thầu tập trung các gói thầu dịch vụ công ích vệ sinh môi trường với 26 gói thầu.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, thanh tra tại 12 đơn vị và rà soát từ các quận, huyện, thị xã báo cáo, đã xác định được nhiều tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện các gói thầu 3 năm qua. Trong đó, công tác nghiệm thu khối lượng, nghiệm thu thanh toán có nhiều vấn đề.  Theo đó, một số quận huyện, dự báo lượng rác thải không sát thực tế khiến đơn vị thầu phải xử lý khối lượng công việc nhiều hơn khối lượng trong hợp đồng. Hậu quả là, Thành phố đã phải chi trả tới 600 tỷ đồng phát sinh ngoài các hợp đồng thu gom rác thải đã ký. Cụ thể, 26 gói thầu được ký năm 2016 có tổng kinh phí 4.370 tỷ đồng, nhưng sau đó liên ngành Tài chính - Xây dựng và Thanh tra TP. Hà Nội xác định số tiền phải thanh toán lên tới 4.961 tỷ đồng, tức số tiền phát sinh tăng thêm ngoài hợp đồng là hơn 591 tỷ đồng. Số tiền này hiện chưa biết xử lý ra sao.

Ngoài ra, việc thực hiện cơ chế đấu thầu tập trung xử lý rác ở cấp thành phố, nên khi xảy ra ùn ứ rác trên địa bàn thì "phường không xử lý được mà chỉ kiến nghị lên trên", ông Hoàng Xuân Sáng - Chủ tịch phường Yên Phụ - nhận định.

Nước rác rỉ ra ngoài đường bốc mùi nồng nặc.

Giải pháp đã có nhưng cần giám sát thực hiện

Sau hơn 3 năm đấu thầu tập trung, sắp tới Hà Nội sẽ giao lại cho các quận, huyện tự lựa chọn nhà thầu thu gom rác sinh hoạt. Ông Hoàng Tuân xác nhận từ 1/1/2021, các quận, huyện, thị xã sẽ là chủ đầu tư việc duy trì vệ sinh trên địa bàn và "chủ động lựa chọn nhà thầu".

Ông Phạm Văn Đức - Phó Giám đốc Urenco, một trong những nhà thầu thu gom rác lớn nhất TP. Hà Nội - cho biết, chắc chắn việc bỏ thầu thu gom rác thải trong thời gian tới đây sẽ có những biến đổi. “Đã đến lúc Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác cần xem lại quy hoạch rác thải địa bàn Thủ đô, quy trình bỏ thầu, chất lượng các công ty thu gom rác để tránh xuất hiện thêm những bãi rác nhỏ nhưng lại ảnh hưởng lớn đến môi trường và đời sống của người dân Thủ đô”, ông Đức đề xuất thêm.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - còn đề xuất, cơ quan chức năng nên phân tách các gói thầu theo đặc trưng của từng địa bàn, đồng thời, xây dựng các gói thầu có giá trị lớn để thu hút được các nhà thầu lớn, chuyên nghiệp, cũng như chú trọng việc thanh toán gói thầu…

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng.

Nhận định về tầm quan trọng của việc lựa chọn nhà thầu xử lý rác thải, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng tổng cục Môi trường (bộ TN&MT) - cho rằng: “Việc tìm kiếm nhà thầu thu gom rác thải có năng lực, có trách nhiệm thời điểm hiện tại rất quan trọng, bởi đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, khối lượng rác thải thải ra rất nhiều… Điều này rất cần chính quyền địa phương nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện đấu thầu”.

Lê Vân Anh