Dân sinh

Dân dựng lán, đốt lửa thâu đêm ở bờ sông “canh” doanh nghiệp khai thác

Hàng chục người dân ở tỉnh Thanh Hóa nhiều ngày đêm dựng lán, đốt lửa và nấu cháo tại bờ sông để "canh gác", phản đối doanh nghiệp khai thác cát.

Tháng 7/2018, Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại Đại An (Công ty Đại An) được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng và thuê đất tại xã Thành Mỹ và xã Thành Vinh với diện tích mỏ gần 13.939m2 (khu vực 1,2 nằm tại xã Thành Mỹ, có diện tích tổng cộng gần 8.000m2 và khu vực 3 thuộc xã Thành Vinh, có diện tích 6.000m2).

Khối lượng khoáng sản được phép khai thác là 23.278m3, công suất khai thác là 12.092m3/năm. Thời hạn khai thác 3 năm, kể từ ngày được cấp phép. Tháng 8/2021, giấy phép hết hạn, Công ty Đại An tiếp tục xin gia hạn và lại được UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý gia hạn cho doanh nghiệp thêm 2 năm 8 tháng với diện tích mỏ, công suất khai thác như cũ.

Đầu tháng 12/2022, Công ty Đại An làm đường, tái khởi động lại việc khai thác cát tại khu vực 3, thuộc thôn Vân Tiến, xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành. Cho rằng mình không được thông báo, không đồng ý cho doanh nghiệp khai thác tại khu vực này, người dân đã đánh trống, kéo ra bờ sông để phản đối. Chính quyền xã Thành Mỹ và lực lượng công an đã kịp thời có mặt tại hiện trường để nắm tình hình, giải thích vận động người dân giải tán, nhưng họ không đồng thuận.

Người dân đốt lửa, luân phiên nhau canh gác thâu đêm tại bờ sông để phản đối doanh nghiệp khai thác cát.

Dân đốt lửa nấu cháo tại bờ sông đêm 12/12.

Một số người dân sử dụng điện thoại quay clip, phát trực tiếp lên các nền tảng mạng xã hội khiến sự việc ngày càng “nóng lên”. Người dân còn tập trung rào đường, dựng lán, đốt lửa, nấu cháo và luân phiên nhau “canh gác” tại bờ sông để phản đối doanh nghiệp khai thác cát.

Sáng 13/12, PV Người Đưa Tin đã trực tiếp tới hiện trường nắm bắt thông tin, gặp gỡ người dân và làm việc với chính quyền địa phương để làm rõ sự việc. Theo quan sát, tại bờ sông lúc này người dân đã dùng cọc bê tông và vật liệu tự nhiên rào chắn con đường đi xuống điểm khai thác cát. Họ còn dựng lán, đốt lửa, nấu cháo ngay tại bờ sông để thay phiên nhau “canh gác”. Phía dưới bờ sông, một chiếc máy múc và xe ben đang nằm lại vì đường đã bị phong tỏa. Hiện, không còn người của doanh nghiệp hoạt động.

Có mặt tại bờ sông, bà Quách Thị Thành (trú tại thôn Vân Tiến, xã Thành Mỹ) cho hay, nguyên nhân bà và người dân địa phương lập lán, canh gác phản đối doanh nghiệp khai thác cát là do họ không nhận được thông báo và họ lo ngại đất nông nghiệp sẽ bị sạt lở xuống sông.

Trưa 13/12, thời điểm PV tới, nhiều người dân đang có mặt tại bờ sông chỗ đường bị rào để phản đối doanh nghiệp khai thác cát.

Bà Quách Thị Thành (ngoài cùng bên trái) cùng một số người dân có mặt tại bờ sông trao đổi với PV.

Ông Hà Đức Tâm – Chủ tịch UBND xã Thành Mỹ xác nhận, có việc người dân tập trung rào đường, dựng lán, “canh gác” tại bờ sông để phản đối Công ty Đại An khai thác cát.

Theo ông Tâm, Công ty Đại An được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác cát tại bờ sông thôn Thành Tiến, xã Thanh Mỹ. Hiện tại, giấy phép khai thác đang còn hiệu lực, doanh nghiệp mới tái khởi động lại việc khai thác thì bị dân ngăn cản, phản đối và Công ty Đại An khai thác trong phạm vi ranh giới mỏ được cấp phép. Con đường dẫn vào mỏ là đất do nhà nước quản lý.

Nguyên nhân người dân ngăn cản là họ sợ khi khai thác cát sẽ gây sạt lở bờ sông và đất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc người dân lo ngại chưa xảy ra. Từ khi người dân chặn đường, phản đối doanh nghiệp cho tới nay, chính quyền đã nhiều lần giải thích, vận động nhân dân không tập trung đông người nhưng chưa có kết quả.

Ông Nguyễn Văn Mạnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành cho biết, sáng 13/12, ông đại diện cho lãnh đạo huyện cùng các phòng ngành và chính quyền trực tiếp tới hiện trường đối thoại với nhân dân.

Vị trí khai thác cát của Công ty Đại An tại xã Thành Mỹ.

Do bị người dân rào đường, phản đối nên xe máy của doanh nghiệp không thể ra vào mỏ khai thác.

“Công ty Đại An khai thác cát tại xã Thành Mỹ đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép và đang trong thời hạn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai khai thác về trình tự thủ tục (thông báo tới nhân dân, công khai thời gian khai thác, phương án đảm bảo ANTT chưa phù hợp; tâm tư, nguyện vọng của bà con và quyền của dân, việc rào đường, ngăn sông là không đúng”, ông Mạnh nói.

Theo ông Mạnh, huyện sẽ tiếp nhận ý kiến của người dân, đề nghị doanh nghiệp tạm dừng khai thác, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát lại và tham mưu cho huyện báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá lại các tác động của việc khai thác cát làm thay đổi dòng chảy theo ý kiến của nhân dân. Đồng thời, chính quyền địa phương tiếp tục làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tháo dỡ rào chắn, không tập trung đông người để đảm bảo an ninh trật tự.