Môi trường

Dân dựng bạt chặn xe rác, chính quyền "tức tốc" lo đền bù

Theo ghi nhận của phóng viên báo Người Đưa Tin tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội, hàng trăm người dân thuộc 2 xã Hồng Kỳ và Nam Sơn vẫn tiếp tục dựng lều bạt tập trung chặn xe chở rác thải sinh hoạt từ khu vực nội thành tại hai cửa vào bãi rác Nam Sơn.

"Chúng tôi chịu quá đủ rồi"

Nhiều người dân ở đây bức xúc cho biết, mọi người tập trung ở đây để yêu cầu cơ quan chức năng thực hiện “lời hứa” của mình và khi nào “lời hứa” đó được thực hiện thì mới giải tán cho xe vào bãi rác.

Chia sẻ với phóng viên báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Kích, xóm Hòa Bình, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn cho biết: “Theo thông báo thu hồi đất số 1820/TB-UBND của UBND huyện Sóc Sơn, để thực hiện dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (vùng bán kính 500m từ hàng rào khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn), đến ngày 1/7 các hộ dân sẽ được nhận tiền đền bù đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, ngày 2/7 các hộ dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù, chính vì thế người dân mới tập hợp lại chặn xe rác vào bãi rác Nam Sơn nhằm yêu cầu giải quyết dứt điểm tiền đền bù cho người dân”.

Tiếp lời ông Kích, anh N., người dân sinh sống tại thôn 2, xã Hồng Kỳ cho chúng tôi biết: “Tính đến 1/7 là hết quý II thì người dân sẽ nhận được tiền đền bù, tuy nhiên đến nay (ngày 2/7) chúng tôi vẫn chưa nhận được một thông báo nào về việc này cả. Rất nhiều lần hứa hẹn, giấy tờ bàn giao đất, sổ đỏ dân đã làm hết rồi và lãnh đạo thành phố, huyện, xã cũng đã đến thôn hứa hẹn việc đền bù cũng như di dân thế nhưng vẫn “không thấy tăm hơi” đâu cả. Hơn 20 năm sống trong môi trường ô nhiễm, chúng tôi chịu quá đủ rồi”.

“Đất nông nghiệp không được canh tác, phải bỏ hoang, nguồn nước thì ô nhiễm, bao người mắc bệnh nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì từ các cơ quan chính quyền. Tất cả vẫn chỉ là lời hứa suông, chúng tôi không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi nữa”, anh N. bức xúc nói.

Nói xong, anh N. xin phép được đưa chúng tôi đi khảo sát một vòng xung quanh Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn để hiểu rõ hơn về nỗi khổ của người dân khi từng ngày, từng giờ phải sống chung với những hệ lụy mà bãi rác này gây ra.

Lần theo con đường nhỏ nằm giữa thôn 2, xã Hồng Kỳ (con đường tắt dẫn đến bãi rác), anh N. đưa chúng tôi đến một khoảng đất trống ngay cạnh Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, tại đây chúng tôi mới cảm nhận được những khó khăn mà người dân gặp phải.

Thời tiếng nắng nóng làm cho mùi hôi thối từ bãi rác càng nặng hơn, khi thấy chúng tôi vừa lấy chiếc khẩu trang từ trong túi ra thì anh N. cười và nói: “Em thấy anh nói có đúng không, cái mùi đặc trưng của nơi đây khiến ai về cũng nhớ. Hội anh sống ở đây dần cũng quen chứ mấy người nơi khác về hễ đi qua đây là bịt mũi mà chạy”.

Người dân dựng bạt thay phiên nhau chặn xe rác vào bãi.

Giá đền bù chưa thoả đáng?

Khi chúng tôi đang trao đổi một vài thông tin liên quan đến bãi rác này thì bất ngờ có tiếng người đàn ông gọi với từ xa “N. ơi thấy bảo có ngân hàng xuống trả tiền cho dân ở nhà văn hóa Xuân Bảng rồi kìa, ra xem nhà ông có được trả không”. Ngay lập tức, chúng tôi tạm gác câu chuyện để di chuyển tới nhà văn hóa thôn Xuân Bảng, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn để xác minh thông tin trên.

Có mặt tại nhà văn hóa thông Xuân Bảng, trước mắt chúng tôi là hình ảnh đám đông người dân đang đứng trước cửa nhà văn hóa. Hỏi ra thì được biết mọi người ở đây chủ yếu là người dân ở thôn Xuân Bảng và thôn Liên Xuân thuộc xã Nam Sơn đang xếp hàng để nhận tiền đền bù đất sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, thực hiện theo thông báo thu hồi đất của UBND huyện Sóc Sơn, số 1820/TB-UBND, để thực hiện dự án Di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (vùng bán kính 500m từ hàng rào Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn), những hộ dân nằm trong bán kính vùng ảnh hưởng môi trường của Khu Liên Hợp xử lý chất thải Sóc Sơn đã có mặt tại đây để nhận tiền đền bù theo đúng quy định của Nhà nước.

Theo ghi nhận của phóng viên tại nhà văn hóa thôn Xuân Bảng, khá đông người dân thôn Xuân Bảng và Liên Xuân đã mang giấy mời cùng giấy tờ tùy thân theo quy định đến để nhận đền bù đất sản xuất nông nghiệp theo thông báo. Tuy vậy, nhiều người dân vẫn đang chờ đợi và lắng nghe về tiền đền bù đất thổ cư, nơi người dân trực tiếp sinh sống và làm ăn.

Ông Trần Trung, người dân thôn Xuân Bảng cho hay: “Bản thân tôi đồng tình với mức đền bù ruộng đất bị ảnh hưởng này. Bởi tiền đền bù ruộng đất là làm theo quy định của Nhà nước nên không làm khác được. Tuy nhiên, đây mới chỉ là tiền đất sản xuất nông nghiệp của người dân bị ảnh hưởng trực tiếp, sau này mới đền bù đất thổ cư. Đất này thì chưa áp giá, nếu như thỏa mãn yêu cầu thì người dân mới đồng ý nhận bồi thường".

Theo một số người dân, hiện vẫn còn nhiều hộ vẫn chưa được gọi tên để nhận tiền đền bù, trong khi đó việc di dời vẫn chưa được thực hiện khiến người dân hết sức bức xúc, yêu cầu cơ quan chức năng cần khẩn trương giải quyết cho người dân.

Ông Th., người dân thuộc thôn Xuân Bảng cho rằng: “Giá đất liền kề của các hộ dân đang không thỏa đáng khi chỉ có giá 78 nghìn đồng/m2 và đất thổ cư là 600 nghìn đồng/m2. Như vậy là quá thiệt thòi cho người dân sống quanh khu vực bãi rác Nam Sơn này. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với cơ quan chức năng trong việc tổ chức đền bù đất cho người dân nhưng mức giá trên là không hợp lý”.

Một lãnh đạo xã Nam Sơn xác nhận tình trạng chặn xe rác của người dân 2 xã Nam Sơn và Hồng Kỳ đã diễn từ ngày 1/7. Đến hiện tại, việc dừng chặn xe rác vẫn chưa thể chấm dứt mặc dù chúng tôi đã cố gắng vận động, vì bà con vẫn còn chưa thỏa đáng với mong muốn của mình. Tất cả các văn bản của bà con chúng tôi sẽ chuyển lên lãnh đạo thành phố và xin ý kiến".

"Một số bà con vẫn còn đang thắc mắc trong vấn đề di chuyển các hộ dân trong vòng 500m, đồng thời về giá cả đền bù chưa đồng thuận 100% ý kiến nên xảy ra tình trạng đó. Nhiều hộ dân thắc mắc về khoản tiền đền bù đất vẫn đang chặn xe rác ngay trước cổng ra vào nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn", vị này cho biết thêm.

Đến thời điểm hiện tại, vẫn còn rất đông người dân thuộc xã Nam Sơn và Hồng Kỳ dựng lều bạt, thay phiên nhau chặn xe rác ra vào nhà máy xử lý rác vì các thắc mắc liên quan đến tiền đền bù đất chưa được thỏa đáng.

Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục cập nhật.

Nguyễn Lâm- Di Hân