Hồ sơ doanh nghiệp

Dân đình trệ chi tiêu chăm sóc sức khỏe, Agimexpharm báo lãi giảm 19%

Kinh tế khó khăn dẫn đến đình trệ chi tiêu chăm sóc sức khỏe, người dân chuyển khám chữa bệnh bên ngoài sang các bệnh viện khiến lợi nhuận Agimexpharm đi lùi.

Công ty Cổ phần Dược phẩm Agimexpharm (UPCoM: AGP) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 với doanh thu thuần 175,8 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 11% lên 123,9 tỷ đồng; chủ yếu là giá vốn thành phẩm đã bán tăng 18% lên 362,5 tỷ đồng khiến lãi gộp thu hẹp 10% về 51,8 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp 2,2 lần lên hơn 44 triệu đồng, tuy nhiên không tác động đến kết quả kinh doanh quá nhiều, song chi phí tài chính tăng 31% lên 9,5 tỷ đồng. 

Khấu trừ đi các chi phí, Agimexpharm báo lãi sau thuế đạt 10,7 tỷ đồng, giảm gần 19%. Giải trình về kết quả đi lùi này, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết do suy thoái kinh tế dẫn đến đình trệ chi tiêu chăm sóc sức khỏe, người dân chuyển khám chữa bệnh bên ngoài sang các bệnh viện. Bên cạnh đó, giá mua nguyên vật liệu sản xuất cũng tăng cao cũng khiến lợi nhuận của doanh nghiệp đi xuống.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, Agimexpharm ghi nhận 521,3 tỷ đồng doanh thu thuần. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng 17% lên 367 tỷ đồng cùng với chi phí tài chính tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp giảm 3% xuống 33,7 tỷ đồng.

So với kế hoạch đề ra năm 2023 mang về 750 tỷ đồng doanh thu và 60 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, Agimexpharm đã hoàn thành 46% kế hoạch doanh thu và 47% chỉ tiêu lợi nhuận sau 9 tháng.

Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Agimexpharm ở mức hơn 881 tỷ đồng, tăng 10% so với hồi đầu năm. Hàng tồn kho tăng 10% lên hơn 293,2 tỷ đồng; biến động chủ yếu đến từ thành phẩm tăng 18% lên gần 105,7 tỷ đồng.

Lượng tiền và tương đương tiền tăng gấp đôi so với đầu năm lên gần 17,7 tỷ đồng; đa phần là tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn với gần 14,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Agimexpharm có thêm 5 tỷ đồng tiền gửi đáo hạn, đây là số tiền thế chấp để đảm bảo các khoản vay tại VietinBank.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả tính đến hết quý III/2023 của Agimexpharm ở mức 536,39 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng 21% lên 110,5 tỷ đồng.

Trong kỳ, Agimexpharm ghi nhận số tiền phải trả Công ty TNHH Hoá Dược phẩm Phương Phúc 44,6 tỷ đồng, trong khi đầu kỳ không ghi nhận. Ngược lại, trong kỳ không phát sinh khoản phải trả Công ty TNHH MTV Dược Anpharma, trong khi đầu kỳ ghi nhận hơn 32 tỷ đồng.

Vay nợ thuê tài chính của doanh nghiệp tăng 7% lên hơn 391,5 tỷ đồng. Đến ngày 30/9/2023, Agimexpharm vay các ngân hàng tại chi nhánh An Giang gồm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) hơn 172,7 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) gần 79,4 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) gần 41 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) gần 45 tỷ đồng và Ngân hàng TNHH MTV Hong Leong Việt Nam hơn 13,2 tỷ đồng.