Tiêu điểm thế giới

Đàm phán thất bại, Thổ Nhĩ Kỳ "dàn trận chiến tranh" ở Idlib: Nga sẽ phải "hối tiếc" vì coi thường đối thủ?

Một số nhà phân tích khu vực tin rằng Nga đang xem nhẹ lời nói của Tổng thống Erdogan, cho rằng đó chỉ những chiêu trò thương lượng đơn giản, nhưng rồi Moscow có thể phải hối tiếc trong tương lai gần ở Idlib.

Các cuộc đàm phán về Idlib giữa Nga-Thổ đã thất bại.

Đàm phán bất thành

Sau cuộc đàm phán căng thẳng ở Moscow hôm 19/2, phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã không đạt được bất kỳ sự đồng thuận nào về giải quyết bế tắc đang diễn ra ở Idlib, thành trì cuối cùng của phe đối lập.

Cuộc tiến công mới của quân đội Syria nhằm giành lại Idlib đã tạo nên những va chạm mới với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đang hậu thuẫn cho phiến quân tại đây.

"Chúng tôi đang đưa ra những cảnh báo cuối cùng cho quân đội Syria ngừng tiến công ở Idlib. Thật không may, chúng tôi chưa đạt được kết quả mong muốn trong các cuộc đàm phán được tổ chức ở trong nước, ở Nga cũng như trên thực địa”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói trong bài phát biểu hôm 19/2.

"Không có kết quả khả quan cho Thổ Nhĩ Kỳ từ các cuộc họp với Nga về Idlib. Chúng tôi đã từ chối những đề xuất được Nga trình bày", Ibrahim Kalin, phát ngôn viên của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói.

Nga đã cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ một dải đất gần biên giới để thiết lập khu an toàn nhằm di dời hàng triệu người ra khỏi Idlib. Ankara đã từ chối lời đề nghị thẳng thắn, coi đây là một sự vi phạm đối với thỏa thuận ngừng bắn năm 2018 giữa Ankara và Moscow.

Điều xảy ra ở Idlib?

Trang TRT nhận định, bằng việc khẳng định sẽ tiến hành hoạt động quân sự ở miền Bắc Syria với những lời lẽ sắt đá, Tổng thống Erdogan đã báo hiệu rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép chính quyền Damascus tiếp quản Idlib.

“Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện mọi sự chuẩn bị cho kế hoạch hoạt động của riêng mình. Giống như các kế hoạch khác, chúng tôi có thể thực hiện chúng bất kỳ lúc nào", Erdogan nói.

Những tuyên bố đanh thép của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ lúc này rất giống với ngôn ngữ chính trị mà Ankara sử dụng trong chiến dịch năm 1974 ở Síp, điều đó thường đồng nghĩa với việc quá trình đếm ngược chiến tranh đã bắt đầu.

"Nói cách khác, cuộc tấn công Idlib chỉ là vấn đề thời gian. Chúng tôi sẽ không để Idlib thuộc về chính quyền Syria, vốn không hiểu mong muốn của đất nước chúng tôi, cũng như người hỗ trợ của họ", ông Erdogan ám chỉ đến Nga.

Một số nhà phân tích khu vực tin rằng Nga đang xem nhẹ lời nói của Tổng thống Erdogan, cho rằng đó chỉ những chiêu trò thương lượng đơn giản, nhưng rồi Moscow có thể phải hối tiếc trong tương lai gần.

“Điện Kremlin cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đang muốn qua mặt mình”, Omer Ozkizilcik nói, một nhà phân tích chính trị làm việc cho Seta Foundation nhận định. “Nhưng điều mà Ankara làm không phải là một trò lừa bịp”.

Kịch bản leo thang

Nga-Thổ có nguy cơ trở lại khủng hoảng quan hệ năm 2015.

Trong tuyên bố của mình, Nga cũng cảm thấy lo ngại về hoạt động sắp tới của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib.

"Nếu nói về các hoạt động quân sự chống lại các nhóm khủng bố ở Idlib, thì điều đó sẽ phù hợp với thỏa thuận Sochi. Chia tách các nhóm khủng bố đang kiểm soát lãnh thổ và được vũ trang mạnh mẽ này là nhiệm vụ của phía Thổ Nhĩ Kỳ", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.

"Nhưng nếu đó là các hoạt động chống lại chính quyền Syria và quân đội Syria hợp pháp, thì đó sẽ là trường hợp xấu nhất", ông Peskov nói.

Leo thang với Nga luôn là kịch bản mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn tránh nhất. Tuy nhiên, với việc không thể có được những gì mong muốn trong cuộc đàm phán mới đây, Ankara dường như đã không còn sự lựa chọn.

Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường quy mô quân sự lớn chưa từng có ở Syria, với sự hiện diện của vũ khí phòng không trên chiến trường, điều khiến Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng gây ra khủng hoảng bắn rơi máy bay Nga một lần nữa.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh một tình huống nguy hiểm như vậy, nhưng với đợt triển khai lớn như hiện tại, đây là lần gần nhất Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ va chạm với lực lượng Nga kể từ năm 2015.

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục đưa ra những bước đi cẩn thận về vấn đề Idlib, sự phát triển tiếp theo sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những gì Mỹ quyết định làm.

Cho đến nay, Washington đã gửi nhiều tín hiệu lẫn lộn đến Ankara. Ngoại trưởng Mike Pompeo và Đặc phái viên Syria James Jeffrey đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã trả lời một cách không quan tâm khi nói rằng "không có thỏa thuận nào được thực hiện" về việc Mỹ thực hiện các bước cụ thể hơn ở Idlib.

Nhưng cũng giống như Nga đang cố gắng đẩy Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh NATO ra xa nhau hơn, Mỹ có thể quyết định nhân cơ hội này để làm điều tương tự với mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách ủng hộ cho chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib.

Dù bằng cách nào, các quyết định lớn sẽ được đưa ra tại Ankara, Moscow và Washington trong những tuần tới - những động thái sẽ mang đến bước ngoặt cho giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột Syria.