Văn hoá

Đắm mình trong không gian văn hóa đặc sắc của Giá đồng đầu xuân

Giữa tiết xuân tươi mới, trong không gian linh thiêng hương trầm khói tỏa, những giá đồng ngày xuân thường mang đến cảm giác thăng hoa đặc biệt.

Trong không khí những ngày đầu xuân, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt với nghi lễ hầu đồng là hình thức diễn xướng tâm linh thường diễn ra ở các điện, đền, phủ.

Nghi lễ hầu đồng rất nhiều tiết lễ, cách thức, quy mô và thời điểm của từng nghi lễ ở mỗi nơi khác nhau và mang ý nghĩa khác nhau. Theo đó, trong một năm sẽ có 4 tiết lễ chính, bao gồm: Tiết lễ hầu thượng nguyên (tháng Giêng) nhằm cầu an cho cả năm; Tiết lễ hầu vào hè (tháng tư) nhằm cầu mong sự mát mẻ, tránh ôn dịch; Tiết hầu ra hè (tháng Bảy) cầu bình an khang thái; và Tiết hầu tất niên tạ Phật Thánh đã phù trợ trong một năm qua.

Với ý nghĩa đó, tiết lễ hầu Thượng nguyên hay còn gọi là vấn hầu đồng đầu năm rất được coi trọng và được các thành đồng (người có căn số hầu bóng) tổ chức rất chu đáo, trọng thị. 

Những ngày đầu xuân, về với Quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) - vốn được xem là Trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa tâm linh đầy sắc màu của những canh hầu đầu xuân. 

Trong không gian văn hóa tâm linh Phủ chính Tiên Hương (Phủ Dầy), thanh đồng, Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Huệ – Thủ nhang Phủ chính Tiên Hương chia sẻ: "Tết đến, xuân về, chúng ta đều cầu mong những điều an lành. Đối với những người có niềm tin về tâm linh thì khóa lễ hầu đồng đầu năm rất quan trọng. Khóa lễ Thương Nguyên không chỉ mang ý nghĩa cầu mong điều tốt đẹp, mà còn thể hiện tấm lòng thành kính với Phật, Thánh".

Để tổ chức được một khóa lễ đầu năm, các Thanh đồng phải dày công chuẩn bị đồ lễ. Vật phẩm cơ bản gồm: trầu, cau, xôi, thịt, hoa quả, rượu, thuốc, vàng mã và những đồ lễ khác tùy theo văn hóa, tập, vùng miền.

"Lo khóa lễ thì vất vả thật nhưng tôi coi đó là bổn phận và trách nhiệm của mình trong việc hầu Thánh. Mỗi lần vào khóa lễ tôi đều cảm thấy rất vui vẻ, mọi mệt mỏi đều tan biến hết. Đặc biệt là khóa lễ đầu năm tạo cho tôi tâm thái an vui. Đầu năm chúng ta phấn khởi thì cả năm mọi việc sẽ suôn sẻ", Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Kim Huệ chia sẻ.

Ấn tượng đầu tiên đối với người xem là các trang phục được sử dụng trong mỗi giá đồng. (Trong hình là trang phục trong giá Chầu Đệ tam với khăn áo màu trắng cầm quạt trắng lấp lánh tượng trưng cho miền Thoải Phủ.)

Ngoài trang phục thì trang sức và các vật đi kèm như quạt, khăn đội đầu, mũ, hài trong buổi lễ hầu đồng cũng được gia công theo truyền thống.

Ngoài ra, nghệ thuật trang điểm tinh tế, sự khéo léo phối hợp nhịp nhàng của hầu dâng phụ giúp cho thanh đồng chuẩn bị, thay đổi khăn áo cũng góp phần vào sự thành công của giá đồng.

Một điểm ấn tượng với người xem là các điệu múa của thanh đồng được thay đổi đa dạng theo các giá hầu. Các giá Quan Lớn thường có các điệu múa cờ, múa kiếm, long đao, kích… Giá của các Chầu Bà thì múa quạt, múa mồi, múa tay không. Giá Ông Hoàng có múa khăn tấu, múa tay không, múa cờ. Đẹp mắt và được yêu thích nhất là giá các Cô múa quạt, múa hoa, múa chèo đò, múa thêu thùa, múa khăn lụa, múa đàn…

Bên cạnh nghệ thuật hình ảnh, người xem còn đắm chìm trong âm nhạc và lời hát văn mượt mà lại cuốn hút, tạo cảm xúc rộn ràng với những người tham dự.

Trong âm nhạc rộn rã, giọng hát văn ngọt ngào cùng khói hương huyền ảo, những bước chân, động tác múa của thanh đồng thoăn thoắt nhịp nhàng.

Đông đảo người dân và du khách để trải nghiệm lễ hầu đồng đầu năm với mong ước một năm mới tốt đẹp. 

Nghi lễ diễn ra theo thứ tự Thánh giáng từ cao đến thấp nên các điệu múa cũng đi từ sự uy nghi tới uyển chuyển sang tươi vui nhí nhảnh, càng về cuối càng thu hút người xem.

Trong các vấn hầu chứa đựng rất nhiều giá trị truyền thống của người Việt, những lời văn, nghi thức trong khóa lễ đã phần nào lột tả văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

Ngoài ra, vấn hầu đồng đầu năm còn góp phần lan tỏa Tín ngưỡng thờ Mẫu. Bởi đầu năm, nhiều người thường đi lễ tại các đền, phủ mà những nơi đó là địa điểm diễn xướng hầu đồng.

Tất cả những yếu tố trong nghi lễ hầu đồng, hát văn mang tới nét độc đáo từ sự tinh tế của nghệ thuật âm nhạc, trang phục và diễn xướng sân khấu dân gian đến nét huyền bí tâm linh được coi là nghi thức tiêu biểu nhất của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.