Chính sách

Đảm bảo chuyển đổi số tới từng thôn, từng bản

Bộ TT&TT vừa có hướng dẫn thí điểm triển khai sáng kiến “Tổ công nghệ số cộng đồng” tại địa phương, sẽ tiến hành ngay trong năm 2022.

Giúp người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ CĐS

Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã đồng hành cùng các địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để thực hiện chuyển đổi số.

Thực tế cho thấy, chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia, người dân trở thành công dân số, có các hoạt động được đưa lên môi trường số. Một số địa phương đưa ra những cách làm sáng tạo giúp người dân chuyển đổi số, trong đó có sáng kiến thành lập “Tổ công nghệ số cộng đồng” đã thu được kết quả bước đầu.

Với mong muốn nhân rộng những sáng kiến, cách làm hay của địa phương, Bộ TT&TT vừa có hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương. Từ đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham khảo hướng dẫn và tìm hiểu, thí điểm triển khai sáng kiến “Tổ công nghệ số cộng đồng” tại địa phương ngay trong năm 2022.

Là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân, Tổ công nghệ số cộng đồng tham gia hoạt động hỗ trợ đưa nền tảng số, công nghệ số đến từng ngõ ngách, gắn với cuộc sống của người dân, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số. Đây cũng là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, tổ, đội.

Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ tham gia hoạt động hỗ trợ đưa nền tảng số, công nghệ số đến từng ngõ ngách, gắn với cuộc sống của người dân, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số.

Bộ TT&TT nhấn mạnh định hướng xuyên suốt trong năm nay là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.

Hơn nữa, Bộ TT&TT cũng xác định rõ 1 trong 22 nhiệm vụ quan trọng về chuyển đổi số trong năm 2022 là thiết lập Mạng lưới công nghệ số cộng đồng hỗ trợ triển khai Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đến tận cấp đơn vị, cấp cơ sở, phường, xã, tổ, đội với nòng cốt là đơn vị chuyên trách về CNTT, có sự tham gia của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tại mỗi địa phương; tham gia vào Mạng lưới công nghệ số cộng đồng toàn quốc.

Triển khai triệt để

Theo đó, mỗi thôn, bản, tổ dân phố có thể thành lập một Tổ công nghệ số cộng đồng; mỗi Tổ công nghệ số cộng đồng có thể gồm Trưởng thôn/bản, Tổ trưởng Tổ dân phố và 2 nhân sự (khuyến nghị có sự tham gia của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) có lòng nhiệt tình hoạt động cộng đồng, có tư duy muốn chấp nhận và thử nghiệm cái mới, có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số, có khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số.

Tổ thực hiện công tác thông tin sẽ tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân trong thôn, bản, khu phố.

Về chính quyền số, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số được đánh giá và lựa chọn.

Về kinh tế số, hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như “voso.vn”, “postmart.vn”,…; mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm và quan trọng nhất là cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng cho khách hàng; hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Về xã hội số, hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch… thông qua các nền tảng số.

Về công tác quản lý, điều hành, Tổ công nghệ số cộng đồng được quản lý dựa trên các nền tảng số Việt Nam miễn phí và thông dụng như Zalo, Mocha, Gapo. Mỗi xã, phường, thị trấn tạo một nhóm chung bao gồm lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, các Tổ công nghệ số cộng đồng, lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, phòng Công nghệ thông tin và các doanh nghiệp tham gia triển khai. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ trực tiếp tương tác, hướng dẫn hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng và các thành viên, cùng chia sẻ cách làm hay, trường hợp điển hình.