Dân sinh

Đắk Lắk: Tổng kiểm tra các vi phạm của phương tiện thủy nội địa

Từ ngày 10/11 đến ngày 24/12, Công an tỉnh Đắk Lắk tổng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm đối với người điều khiển và phương tiện thủy nội địa trên địa bàn.

Công an tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật đối với người điều khiển và phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, kế hoạch được thực hiện trong 45 ngày, từ ngày 10/11 đến ngày 24/12, chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ ngày 10-23/11, các đơn vị tổ chức điều tra cơ bản, nắm tình hình và lập danh sách các bến thủy nội địa, các đối tượng cần kiểm tra.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan báo, đài trung ương và địa phương tuyên truyền về mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính để mọi người ủng hộ, chấp hành việc kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm của cơ quan và người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Giai đoạn 2 từ ngày 24/11 đến ngày 24/12, các đơn vị đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý các vi phạm hành chính theo nội dung kế hoạch.

Kế hoạch tổng kiểm tra nhằm đưa hoạt động của các phương tiện thủy nội địa đi vào nề nếp, đúng quy định.

Trong thời gian trên, lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm như: không có giấy chứng nhận đăng ký, không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện theo quy định; không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện theo quy định, chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn.

Theo đó, các tuyến, địa bàn sẽ thực hiện kiểm tra gồm: Sông Krông Ana, Krông Nô, Sêrêpốk và một số đoạn sông hồ, vùng nước có hoạt động giao thông thủy nội địa...

Đối tượng kiểm tra là các tổ chức, cá nhân kinh doanh có sử dụng phương tiện thủy nội địa; các phương tiện thủy nội địa (tàu, thuyền, ghe và các phương tiện nổi khác); thuyền viên, người điều khiển phương tiện thủy nội địa.

Mục đích của việc tổng kiểm tra nhằm đánh giá toàn diện về hoạt động của phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan. Thông qua công tác kiểm tra, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc để kiến nghị các biện pháp tháo gỡ, giải quyết.

Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính, tích cực phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên tuyến thủy nội địa.

Qua đó, nhằm đưa hoạt động của các phương tiện thủy nội địa đi vào nề nếp, đúng quy định; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông trên đường thủy nội địa.

Khánh Ngọc