Mới- nóng

Đắk Lắk: Nhiều gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng từ 'vùng đất chết'

Vùng biên giới xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk được đánh giá là vùng đất đầy khắt nghiệt, đất đai cằn cỗi, khí hậu nắng gió. Gần 10 năm ở vùng biên hẻo lánh này, nhờ siêng năng cần cù, giờ đây nhiều gia đình của làng Thanh niên lập nghiệp đã có kinh tế ổn định, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Làng Thanh niên lập nghiệp xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk là một trong những dự án của Trung ương Đoàn với mục đích phát huy vai trò xung kích của thanh niên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực biên giới. Dự án được thực hiện từ năm 2006. Đến năm 2010, khi dự án hoàn thành, Trung ương Đoàn đã bàn giao lại cho Tỉnh Đoàn Đắk Lắk thu hút các cặp vợ chồng thanh niên đến lập nghiệp. Gần 10 năm ở vùng biên hẻo lánh, đầy khắc nghiệt, nhờ siêng năng cần cù, giờ đây nhiều gia đình đã có kinh tế ổn định thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chúng tôi đến làng thanh niên lập nghiệp vào một buổi trưa của những ngày đầu tháng 3, giữa cái nắng chói chang trên vùng đất đầy khắc nghiệt, anh Nguyễn Văn Diện (SN 1982, ngụ thôn Thanh niên Lập nghiệp, xã Ia Lốp) đang cặm cụi chăm sóc cho đàn bò hàng chục con béo tròn của gia đình.

Chia sẻ với PV, anh Diện cho biết, gia đình anh trước đây ở huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, do gia đình kinh tế khó khăn nên năm 2010, được Tỉnh Đoàn Đắk Lắk mời gọi, anh đã cùng gia đình đến làng Thanh niên lập nghiệp để khởi nghiệp. “Ngày đầu đến làng, chúng tôi được Nhà nước bố trí nhà ở, 1,5ha đất nông nghiệp. Gần 10 năm cặm cụi làm ăn không ngừng nghỉ, giờ đây tôi đã có 6ha mía, đàn bò gần 100 con. Tính trung bình mỗi năm trừ hết chi phí gia đình tôi thu về từ 500-700 triệu đồng”, anh Diện khoe.

Đàn bò gần 100 con của nhà anh Diện. (Ảnh: Văn Thi)

Theo ông Lý Văn Sài, Trưởng làng (nay gọi là thôn) Thanh niên lập nghiệp, cho hay, năm 2010, khi dự án hoàn thành, Trung ương Đoàn đã bàn giao lại cho Tỉnh Đoàn Đắk Lắk tiếp quản và triển khai thu hút thanh niên đến lập nghiệp. Với nhiều ưu đãi như người dân được cấp 1 sào đất ở, 1,5ha đất sản xuất, cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác như vay vốn, hỗ trợ giống, kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt... nên có hơn 120 cặp vợ chồng thanh niên đến sinh sống. Đến nay, làng đã có 135 hộ dân với 519 nhân khẩu, mặc dù đất đai không màu mỡ, khí hậu khắc nghiệt nhưng nhờ thanh niên chịu khó nên đa phần kinh tế đã ổn định.

Đi dạo một vòng quanh làng, thấy nhiều căn nhà mới xây khang trang, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống nơi đây dần khá lên.

Ngoài ra, ông Sài cũng cho biết thêm, hiện nay trong thôn vẫn còn một số bất cập như đường giao thông đã xuống cấp, trẻ em mỗi năm tăng lên nên các phòng học đã chật chội, không đảm bảo cho học sinh và giáo viên giảng dạy. Bên cạnh đó, vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa hoàn tất nên người dân ở làng vẫn chưa có tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng, phục vụ sản xuất.

Ông Hà Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Ia Lốp, nhận xét: “So với mặt bằng chung của xã, thôn Thanh niên lập nghiệp giờ đây đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Mặc dù địa hình bất lợi, thời tiết khắc nghiệt nhưng nhờ sự siêng năng, nhiều hộ dân trong thôn đã thành công trong các mô hình chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp nên có thu nhập khá và đời sống kinh tế ổn định”.

Thực hiện: Mai Cường - Văn Thi

Lời bình: Bảo Trân