Dân sinh

Đắk Lắk: Gian nan xử lý vấn nạn “xe dù, bến cóc”

Dù cơ quan chức năng nỗ lực ngăn chặn nhưng tình trạng “xe dù, bến cóc” trên địa bàn Tp.Buôn Ma Thuột vẫn đang là vấn nạn nhức nhối, gây mất an toàn giao thông.

Hằng ngày, tại một số tuyến đường chính trên địa bàn Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk như: Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn... không ít “xe dù” hoạt động nhộn nhịp, ngang nhiên dừng, đỗ đón, trả khách, bốc xếp hàng hóa ngay bên lề đường.

Đáng nói, nhiều xe ô tô vận tải hành khách mặc dù mang phù hiệu “xe hợp đồng” nhưng lại chạy lòng vòng trong Thành phố này để tìm kiếm, đón từng khách lẻ.

Nhiều xe mang phù hiệu “xe hợp đồng” nhưng chạy lòng vòng trong thành phố để tìm kiếm, đón từng khách lẻ.

Đặc biệt, tại các điểm dừng xe buýt, cây xăng, trước cổng siêu thị, bệnh viện... chỉ cần nhìn thấy có người đứng trên vỉa hè thì nhân viên phụ xe của các phương tiện này lập tức tìm cách vẫy gọi, chèo kéo khách.

Bức xúc trước thực trạng này, một lãnh đạo bến xe trên địa bàn Tp.Buôn Ma Thuột cho hay, thời gian qua, tình trạng xe bỏ bến chạy dù, xe hợp đồng trá hình, xe 7 chỗ, 9 chỗ hoạt động chui tranh giành khách trên tất cả các tuyến đường Tp.Buôn Ma Thuột, thậm chí ngay tại các trạm xe buýt.

Không những thế, những phương tiện này còn ngang nhiên chạy dắt trước đầu xe buýt, cứ xe buýt chuẩn bị xuất phát thì các xe này canh chạy trước 5 phút. Điều này khiến xe buýt, xe tuyến cố định không có “đất sống”, đồng thời làm cho tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn rất náo loạn.

Việc đón, trả khách vô tội vạ của nhiều phương tiện gây ra tình trạng mất an toàn giao thông.

Vị lãnh đạo bến xe tại Tp.Buôn Ma Thuột cho biết thêm: “Các bến xe làm ăn chân chính, làm đóng thuế cho tỉnh theo quy định. Trong khi đó, tình trạng “xe dù bến cóc” không mất một đồng tiền thuế nào nhưng lại hoạt động bát nháo, tranh giành khách, cạnh tranh không lành mạnh. Điều này đang tạo ra hệ lụy xe tuyến cố định cũng bỏ bến chạy dù”.

Thống kê của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có 139 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó có 56 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với nhiều hình thức như: chạy theo tuyến cố định, hợp đồng, taxi, xe buýt và kinh doanh vận tải khách du lịch.

Theo Sở Giao thông Vận tải, tình trạng “xe dù, bến cóc” hiện nay đang được xem là một “vấn nạn”, là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã và đang tìm mọi phương án để ngăn chặn triệt để vấn nạn này.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo lực lượng thanh tra tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất và mở đợt cao điểm xử lý nghiêm các trường hợp lái xe ô tô khách vi phạm quy định về giao thông vận tải.

Thế nhưng, đến nay vấn nạn “xe dù, bến cóc” vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Nhân viên phụ xe thò tay ra cửa để mời gọi khách đi xe. 

Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk, nguyên nhân xảy ra tình trạng “xe dù, bến cóc”, đón trả khách không đúng nơi quy định do đa số người dân muốn thuận lợi riêng mình nên không vào bến xe mà gọi điện thoại cho nhà xe, tài xế đến đón tại nhà hoặc dọc đường.

Do đó, một số đơn vị, cá nhân kinh doanh vận tải đã cạnh tranh nhau phục vụ nhu cầu hành khách, bất chấp các hành vi trái quy định trong kinh doanh vận tải.

Theo đó, thông qua các thiết bị thông tin liên lạc, qua hệ thống “cò” do nhà xe, lái xe bố trí tại các điểm thường xuyên đón, trả khách của mình để cảnh báo, tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Tình trạng này khiến cho hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn trở nên phức tạp, khó kiểm soát.

Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo Phòng CSGT, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông nói chung, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách nói riêng, trong thời gian tới, Phòng CSGT, sẽ triển khai nhiều giải pháp.

Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực vào công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tổ chức cho các doanh nghiệp, lái xe cam kết chấp hành Luật Giao thông đường bộ và quy định về hoạt động vận tải hành khách.

Bên cạnh đó, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với phương tiện vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông. Tập trung xử lý người điều khiển xe ô tô vi phạm các lỗi liên quan đến hoạt động vận tải hành khách như dừng, đỗ xe đón trả khách không đúng nơi quy định…

Ngoài ra, Phòng CSGT cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành Giao thông Vận tải trong việc kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách.

Từ đó, kiến nghị các cấp, các ngành khắc phục để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông và hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh.

Khánh Ngọc