Hồ sơ doanh nghiệp

Đại Nam làm ăn ra sao trước khi CEO Nguyễn Phương Hằng bị bắt?

Trước khi bị bắt, bà Hằng nổi danh "kim cương đong cả ký", "sổ đỏ tính theo cân"... nhờ khối bất động sản cả nghìn ha, riêng tiền thuế đất đã hơn 1.200 tỷ đồng.

Tối 24/3, bà Nguyễn Phương Hằng đã bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân.

Bà Phương Hằng sinh năm 1971, tên thật là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, vợ ông Huỳnh Uy Dũng (hay còn được biết đến với biệt danh Dũng Lò Vôi). Bên cạnh các phát ngôn "gây bão" trên mạng xã hội như "sổ đỏ, kim cương tính bằng cân", bà Hằng được biết đến nhiều nhất với cương vị Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam - nơi chồng bà là Chủ tịch HĐQT. 

Công ty Cổ phần Đại Nam được thành lập vào tháng 3/1996, tiền thân là Công ty Cổ phần phát triển Khu công nghiệp Thanh Lễ, ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng kinh doanh địa ốc, nhà xưởng, đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, khu công nghiệp (thực hiện theo quy hoạch)...

Bên cạnh các phát ngôn "gây bão" trên mạng xã hội như "sổ đỏ, kim cương tính bằng cân", bà Hằng được biết đến nhiều nhất với cương vị Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam.

Đại Nam nổi tiếng khi sở hữu khu du lịch giải trí - tâm linh Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến rộng trên 450 ha. Khu du lịch này mất 9 năm mới hoàn thành để mở cửa đón khách. Nơi đây từng được biết đến là khu du lịch rộng nhất Đông Nam Á với nhiều khu vui chơi giải trí, điểm tham quan. Ông Dũng cũng từng tiết lộ tổng kinh phí xây dựng khoảng 6.000 tỷ đồng.

Một cái tên nổi tiếng khác là Trường đua Đại Nam. Dự án này có diện tích khoảng 60 ha nằm ngay tại khu du lịch, gồm nhiều hạng mục như đua ngựa, đua chó, đua mô tô phân khối lớn, đua xe địa hình, đua mô tô nước với đường đua thiết kế có chiều dài khoảng 1.500 m. Trong đó, có khoảng 30 ha dành để làm bãi xe có mái che và khán đài cho khách ngồi xem với sức chứa 50.000-60.000 khán giả. Đại Nam ước tính nguồn vốn đầu tư cho dự án này khoảng 100 triệu USD.

Đóng 1.234 tỷ đồng tiền thuế đất

Số liệu từ Cục Thuế tỉnh Bình Dương cho thấy từ năm 2014 đến 2020, tổng nguồn thu từ đất tại tỉnh Bình Dương đã tăng từ 1.652 tỷ đồng lên 8.078 tỷ đồng, tương ứng gấp 4,8 lần. Đặc biệt, nguồn thu tiền sử dụng đất phát sinh từ một số dự án lớn đã giúp tăng thu đột biến khoảng 4 lần (năm 2014 là 1.095 tỷ đồng, năm 2020 là 4.156 tỷ đồng). Đáng chú ý, chỉ riêng tiền nộp sử dụng đất của Đại Nam trong năm 2020 đạt 1.234 tỷ đồng. Con số này tương đương 15% tổng nguồn thu từ đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương. 

Nguyên nhân khiến công ty vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng phải đóng trên 1.200 tỷ đồng tiền thuế đất do nắm trong tay khối bất động sản lớn. Chỉ tính riêng Khu du lịch của Đại Nam đã là 450 ha; các khu chế xuất, khu công nghiệp của ông Huỳnh Uy Dũng cộng lại lên tới cả nghìn ha.

Khu du lịch giải trí - tâm linh Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến rộng trên 450 ha, từng được biết đến là khu du lịch rộng nhất Đông Nam Á với nhiều khu vui chơi giải trí, điểm tham quan.

Đại Nam cũng là chủ đầu tư của các khu công nghiệp gồm Bình Đường, Sóng Thần 1, 2 và 3 tại tỉnh Bình Dương. Chính Khu công nghiệp Sóng Thần 1 với diện tích 178 ha, hoàn thành năm 1995 với tổng vốn đầu tư 245 tỷ đồng đã làm nên tên tuổi của ông Dũng.

Còn Khu công nghiệp Sóng Thần 2 có diện tích 313 ha, tổng vốn đầu tư 423 tỷ đồng, đang đạt tỷ lệ lập đầy cho thuê lên đến 96,5%; Khu công nghiệp Sóng Thần 3 rộng 534 ha, tổng vốn đầu tư 936 tỷ, tỷ lệ lấp đầy 67%. Đại Nam đang quản lý vận hành hai khu công nghiệp này.

Tỉnh Bình Dương có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp với tổng quy mô 10.000 ha. Như vậy, diện tích đất khu công nghiệp mà công ty vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng sở hữu chiếm khoảng 10%.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Đại Nam là chủ đầu tư Khu đô thị Trung tâm Hành chính Tp.Dĩ An (66 ha), Khu nhà ở Đại Nam (105 ha), Khu nhà ở Sóng Thần 2, Khu nhà ở Sóng Thần 2 mở rộng, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần, Khu dân cư Tân An 2 và nhiều dự án bất động sản khác.

Ông Dũng và bà Hằng cũng có một hệ sinh thái các công ty bất động sản, xây dựng và dịch vụ khác nhau như công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đại Nam (Xây dựng Đại Nam), công ty TNHH Du lịch Đại Nam Thần Tiên, công ty TNHH Hoàng gia Tân Định, Công ty Glove Đại Nam và công ty TNHH MTV Tân Khai. Các công ty trên đều được thành lập sau khi ông Dũng và bà Hằng kết hôn năm 2010.

Vợ chồng ông Dũng bà Hằng cũng đồng sáng lập Công ty Cổ phần Xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh cuối năm 2018 với vốn điều lệ 99 tỷ đồng. Mỗi người sở hữu 15% cổ phần doanh nghiệp. 

Mỗi ngày thua lỗ hơn 400 triệu

Trong giai đoạn 2016-2018, doanh thu của Đại Nam tăng trưởng đều nhưng vẫn thua lỗ do các khoản chi quá lớn. Cụ thể, năm 2016, doanh thu thuần của Đại Nam đạt 373 tỷ đồng, lãi gộp 320 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận gộp 86% (cao so với một số doanh nghiệp cùng ngành). Tuy nhiên, công ty báo lỗ sau thuế 51 tỷ đồng. 

Sang năm 2017, nguồn thu của công ty tăng 9%, lên mức 405 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tương ứng là 371 tỷ đồng. Tuy vậy, doanh nghiệp lại báo lỗ, lợi nhuận sau thuế âm 105 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu lại tăng trưởng tiếp lên mức 454 tỷ đồng, song không khác 2 năm trước, doanh nghiệp lại báo lỗ. Tuy vậy, số lỗ năm nay đã "cải thiện" hơn, ở mức 84 tỷ đồng. 

Năm 2019 đánh dấu mức sụt giảm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Theo đó, doanh thu của Đại Nam giảm xuống còn 409 tỷ đồng, lợi nhuận âm 154 tỷ đồng, số lỗ tăng 83% so với năm liền trước. Năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 tiếp tục bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp của bà Nguyễn Phương Hằng. Theo đó, năm 2020 doanh thu sụt giảm xuống 320 tỷ đồng, tương ướng giảm gần 22% so với năm 2019. Với giá vốn hàng bán rất thấp, tỉ suất lãi gộp của Đại Nam lên đến trên 90% doanh thu. Trừ đi các chi phí liên quan khác, công ty lỗ 149 tỷ đồng.

Liên tục lỗ nhiều năm liên tiếp dẫn đến vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2020 đã xuống âm 344 tỷ đồng. Cũng tại thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản của Đại Nam đạt gần 6.195 tỷ đồng, nợ dài hạn lên tới hơn 3.900 tỷ đồng.