Công nghệ

Đài Loan đổ tiền vào đào tạo nhân tài ngành chip

Đài Loan (Trung Quốc) đang chạy đua để thiết lập hệ thống đào tạo thế hệ kỹ sư chip bán dẫn tiếp theo, với mục tiêu duy trì vị thế thống trị trong ngành này.

Kế hoạch tăng cường đào tạo nhân lực cho ngành chip bán dẫn do nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn khởi xướng diễn ra khi các tập đoàn chip đang đổ hàng tỷ USD vào quá trình tăng cường năng lực sản xuất. Chỉ riêng TSMC sẽ chi tới 44 tỷ USD và tuyển thêm hơn 8000 nhân viên trong năm nay. 

Cựu CTO của TSMC Jack Sun (Tôn Nguyên Thành), hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sáng tạo Học thuật - Doanh nghiệp (IAIS) tại Đại học Quốc lập Dương Minh Giao Thông, cho biết các tập đoàn chip đang cần thêm rất nhiều nhân lực chất lượng cao nhằm cạnh tranh trên thị trường thế giới. 

Những người như ông Tôn là biểu tượng của chiến lược của Đài Loan: củng cố liên kết giữa giới nghiên cứu học thuật và doanh nghiệp nhằm duy trì vị trí trọng yếu trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu. Trong bài phát biểu thành lập Trường Nghiên cứu Chất bán dẫn thuộc Đại học Quốc lập Thanh Hoa, bà Thái Anh Văn đã nói: “Chúng ta đang chạy đua với thời gian để nuôi dưỡng nhân tài ngành chip bán dẫn.”

Chính quyền Đài Loan đã hợp tác với các tập đoàn chip hàng đầu nhằm cung cấp ngân sách cho các cơ sở đào tạo này. 4 trường cao học đầu tiên đã được thành lập tại các trường đại học hàng đầu của Đài Loan trong năm 2021, mỗi trường có chỉ tiêu đào tạo khoảng 100 sinh viên bậc thạc sĩ và tiến sĩ. 

Ông Jack Sun (Tôn Nguyên Thành), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sáng tạo Học thuật - Doanh nghiệp (IAIS) tại Đại học Quốc lập Dương Minh Giao Thông. Ảnh: MOST GASE.

Ưu tiên hàng đầu của ngành chip bán dẫn

Ngay cả trước khi khủng hoảng chip toàn cầu diễn ra, các tập đoàn Đài Loan đã bắt đầu lo lắng về nguy cơ thiếu hụt nhân tài trong ngành. Đó là chia sẻ của ông Terry Tsao, Chủ tịch của hiệp hội ngành công nghiệp điện tử SEMI tại Đài Loan. 

Vào tháng 9/2019, ông Tsao cùng khoảng 20 lãnh đạo ngành chip tại Đài Loan và nước ngoài đã gặp bà Thái Anh Văn để thúc giục chính phủ giải quyết vấn đề này. 

Chỉ trong quý 4/2021, có tới gần 34.000 công việc trong ngành chip mở tuyển dụng mỗi tháng trên trang web tuyển dụng 104 Job Bank tại Đài Loan, tăng 50% so với năm trước. 

Tuy nhu cầu nhân lực tăng vọt, số kỹ sư tại Đài Loan lại đang tăng trưởng chậm lại trong vòng 10 năm qua. Do đó, số kỹ sư theo học các chương trình tiến sĩ với mục tiêu đào tạo giới nghiên cứu tạo ra công nghệ đột phá cũng càng ít đi. 

Với việc phải cạnh tranh quyết liệt hơn nhằm có được nhân tài, các công ty Đài Loan dần tăng lương, kéo dài thời gian nghỉ thai sản và cung cấp thêm các gói học bổng nhằm giành lấy kỹ sư từ đối thủ và tuyển sinh viên có năng lực thẳng từ trường học. 

Dù vậy, theo MediaTek, nguồn nhân lực này vẫn là không đủ cho nhu cầu ngành chip tại Đài Loan và cạnh tranh từ nước ngoài sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân lực R&D tại đây. United Microelectronics Corp (UMC) có kế hoạch tuyển hơn 1500 nhân viên tại Đài Loan và dự định mở rộng các kênh tuyển dụng nước ngoài. 

Một phòng thí nghiệm về quang điện tử tại Đại học Quốc lập Thành Công (Đài Loan). Ảnh: Đại học Quốc lập Thành Công/NCKU.

Thu hẹp khoảng cách đào tạo - thực tiễn 

Tháng 5/2021, Đài Loan đã thông qua một quy định khiến các trường đại học và doanh nghiệp dễ dàng hợp tác hơn trong các lĩnh vực lợi ích quốc gia cốt lõi, bao gồm cả chip bán dẫn. 

Quy định mới cho phép các trường này nhận tài trợ từ doanh nghiệp và tăng lương cho giảng viên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể hỗ trợ thiết kế chương trình học, gửi chuyên gia đến giảng dạy và giám sát dự án nghiên cứu.

Tô Viêm Khôn, Viện trưởng Học viện Chất bán dẫn đột phá và Sản xuất bền vững thuộc Đại học Quốc lập Thành Công, cho rằng khi công nghệ chip càng ngày càng phát triển nhanh, khoảng cách giữa kiến thức giảng dạy tại trường học và thực tiễn tại các doanh nghiệp sẽ bị nới rộng. Do đó, các trường đại học đang hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm thu hẹp khoảng cách này. 

Tuy một số ý kiến tại Đài Loan cho rằng tập trung quá nhiều vào ngành chip bán dẫn sẽ gây tổn hại đến các lĩnh vực khác, có người lại cho rằng đó là điều cần thiết. 

Diệp Văn Quán, giám đốc Viện Nghiên cứu Chất bán dẫn Đài Loan cho rằng: “Điều này sẽ tạo ra sự mất cân bằng trong hệ sinh thái… Nhưng bây giờ không còn lựa chọn nào khác. Đây là mạch sống của Đài Loan và chúng tôi phải nắm lấy nó. Nếu không làm vậy, làm sao nền kinh tế Đài Loan có thể phát triển được?”.

Tùng Phong (Theo Reuters)