Giáo dục

Đại học Đông Đô và những tấm bằng vô giá trị: Bộ GD&ĐT buông lỏng quản lý làm "con voi chui lọt lỗ kim"?

Phải cho tới khi Cơ quan điều tra, bộ Công an khởi tố, bắt giam Hiệu trưởng và nhiều cán bộ khác của đại học Đông Đô thì phía bộ GD&ĐT mới đưa ra lý giải về việc cung cấp phôi bằng. Mặc cho trước đó khi báo chí thông tin và đặt câu hỏi thì Bộ vẫn im lặng.

Cấp bằng nhưng không quản lý việc in bằng?

Sự việc trường đại học Đông Đô đào tạo chui văn bằng 2 không phải đến khi Cơ quan công an bắt giữ Hiệu trưởng Dương Văn Hoà (ngày 2/8) thì dư luận, báo chí mới biết. Trước đó, báo chí đã nhận được nhiều phản ánh đến sai phạm của trường này.

Cụ thể, sau khi nhận được thông tin từ sinh viên, những người theo học về giá trị chiếc bằng họ nhận được từ đại học Đông Đô, ngay lập tức, báo Người Đưa Tin hồi tháng 6/2019 cũng đã có câu hỏi gửi tới bộ GD&ĐT về những hoạt động của trường này. Nhưng phía bộ GD&ĐT không hề có hồi âm về sự việc.

Phải tới tận ngày 17/8, phía trung tâm Truyền thông, bộ GD&ĐT mới phát đi một thông cáo gửi tới một số ít cơ quan báo chí, có những ý kiến chính thức đầu tiên. Được biết, dù nhận được rất nhiều câu hỏi khác nhau, nhưng phía Bộ chỉ có 5 câu trả lời.

Bộ GD&ĐT cho biết, theo quy định, việc đào tạo văn bằng 2 chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của bộ GD&ĐT ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khoá sinh viên chính quy của ngành đó tốt nghiệp. Theo đó, cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với bộ GD&ĐT về việc cho phép đào tạo văn bằng 2.

Đại học Đông Đô - cơ sở 60B Nguyễn Huy Tưởng.

“Tuy nhiên, bộ GD&ĐT chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo văn bằng 2 của trường đại học Đông Đô nên Bộ chưa có văn bản cho phép trường được đào tạo văn bằng 2. Từ năm 2016 đến năm 2018, trường đại học Đông Đô có thực hiện báo cáo thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.

Tuy nhiên, trong Báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 gửi về vụ Giáo dục đại học của trường không có thông tin về việc đào tạo văn bằng 2”, bộ GD&ĐT khẳng định sai phạm trong việc đào tạo văn bằng 2 của đại học Đông Đô.

Về việc bộ GD&ĐT cho các trường tự chủ in phôi bằng nhưng Văn phòng Bộ vẫn cung cấp phôi bằng cho trường đại học Đông Đô, phía Bộ giải thích: “Thông tư số 19 đã giao cho các trường chủ động in phôi bằng. Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục đại học do có khó khăn trong việc tổ chức in phôi văn bằng (về cơ sở vật chất, về nhân sự quản lý việc in phôi văn bằng chứng chỉ, số lượng phôi văn bằng chứng chỉ ít…) nên đề nghị được Văn phòng Bộ cung cấp phôi văn bằng chứng chỉ. Như vậy, Văn phòng Bộ là đơn vị cung cấp phôi văn bằng chứng chỉ như các cơ sở in phôi văn bằng chứng chỉ khác.”

Trong việc cấp phôi bằng cho đại học Đông Đô, dư luận đặt ra câu hỏi “Phải chăng bộ GD&ĐT đã quá “ưu ái” trường này khi họ xin bao nhiêu phôi bằng thì cấp bấy nhiêu?”. Bởi lẽ, trong đào tạo, hàng năm nhà trường đều phải có báo cáo tới cơ quan quản lý về số lượng và loại hình sinh viên đào tạo.

Trước vấn đề này, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT cũng bày tỏ băn khoăn: “Tại sao trường đại học Đông Đô lại có thể tuyển sinh và đào tạo “chui” văn bằng 2 tất cả các ngành trong một thời gian khá lâu như vậy. Mà rõ ràng, hàng năm Bộ vẫn giao chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể từng nhóm ngành đào tạo. Một trong những nguyên nhân là do Bộ thiếu trách nhiệm kiểm tra, rà soát thường xuyên để kiểm soát số lượng văn bằng xin và cấp cho học viên.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, các trường được giao tự chủ cũng vô tình xuất hiện những “lỗ hổng” tiêu cực, như trường đại học Đông Đô thực sự không xứng đáng được tự chủ”.

Hoạt động của các trường đại học xưa nay đều có sự kiểm tra, kiểm soát của các Vụ, Cục chức năng. Và lại một câu hỏi đặt ra “Tại sao trong suốt thời gian đó Thanh tra bộ GD&ĐT đã ở đâu mà để cho hàng nghìn tấm bằng vô giá trị vẫn được cấp tới tay “người học”?”

Bộ GD&ĐT giải thích: “Triển khai kế hoạch thanh tra 2018, Bộ đã xây dựng Kế hoạch và tổ chức thanh tra công tác tuyển sinh năm 2018 của trường đại học Đông Đô (Quyết định 80/QĐ-TTr ngày 19/9/2018). Tuy nhiên, trường đại học Đông Đô đã có văn bản đề nghị hoãn thanh tra, lý do trường đưa ra là thời điểm đó trường chuyển trụ sở, toàn bộ hồ sơ giấy tờ đều đã đóng gói niêm phong”.

“Tại sao bộ GD&ĐT lại phải “úp mở” như vậy?”

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ: “Đầu tiên, khi đào tạo những chương trình, nội dung không được phép thì trường chịu trách nhiệm trực tiếp. Nếu trường đại học Đông Đô đã không được phép đào tạo thì khi biết thông tin phải buộc dừng ngay. Vậy lý do gì khiến bộ GD&ĐT “ngập ngừng” không cung cấp thông tin ngay? Đáng lẽ đây là một chuyện đơn giản, trả lời thẳng thắn là không được phép, thế thôi! Vì không được phép thì yêu cầu trường đại học đó dừng lại, không được tuyển sinh và đào tạo nữa. Có như vậy thôi, tại sao lại phải kéo dài ra, điều đó là không cần thiết.

GS.TS Phạm Tất Dong.

"Tôi không hiểu vì sao bộ GD&ĐT lại phải “úp mở” như vậy, đáng lẽ nên yêu cầu dừng lại ngay và xử lý nếu tái phạm. Đó là trách nhiệm của nhà quản lý. Không trả lời là chuyện vô lý!", GS.TS Dong đặt câu hỏi.

Ông cũng nhấn mạnh: "Làm như vậy sẽ có những người hiểu lầm là Bộ đang “dung túng” cho trường đại học Đông Đô làm điều đó. Vì vậy, làm như vậy là không nên. Lãnh đạo Bộ đáng lẽ phải làm nghiêm càng sớm càng tốt”.