Giáo dục

Đại học Đông Đô và những tấm bằng vô giá trị: Bài 2 - Hoàn thành khoá học sau vài ngày

Bên cạnh việc tiếp tục tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh dù không được sự cho phép của bộ GD&ĐT, trường đại học Đông Đô còn “tạo điều kiện” cho nhiều học viên hoàn thành khóa học chỉ sau vài ngày.

Tuyển sinh rầm rộ

Xem kỳ trước >>> Đại học Đông Đô và những tấm bằng vô giá trị: Bài 1 - Học phí "trên trời"

Trước thời điểm tháng 7/2019 - khi Hiệu trưởng đại học Đông Đô Dương Văn Hòa cùng các đồng phạm bị bắt, trên website của trường đại học Đông Đô, thông tin thu hút tuyển sinh vẫn được đăng tải đều đặn qua các năm.

Theo thông tin đăng tải, lợi ích của khóa đào tạo này là được miễn thi môn Ngoại ngữ trong việc thi tuyển công chức, viên chức, được miễn thi đầu vào, đầu ra thạc sỹ, tiến sỹ, nghiên cứu sinh, giảng viên, giảng viên chính, nâng ngạch bậc lương, chuyên viên, chuyên viên chính theo quy định của bộ GD&ĐT.

Bên cạnh đó, bằng sẽ có giá trị vĩnh viễn sử dụng trong thời gian công tác và học tập, trong khi chứng chỉ B1 tiếng Anh thời hạn là 2 năm, chứng chỉ B2 cũng chỉ có thời hạn 2 năm.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyển sinh đào tạo tại cơ sở chính ở Hà Nội, trường đại học Đông Đô cũng tăng cường “mở rộng” địa bàn tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh sang một số tỉnh khác, liên kết với chính quyền địa phương.

Ngày 6/11/2018, trường đại học Đông Đô đã ra thông báo số 851/ĐĐ/M23 do Hiệu trưởng Dương Văn Hòa ký phát đi với nội dung tuyển sinh đại học văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh.

Đến ngày 7/12/2018, UBND huyện Lý Nhân (Hà Nam) đã "tích cực" có thông báo xuống cơ sở để các cơ quan, đơn vị tổng hợp danh sách cán bộ, công chức và viên chức đăng ký học nhằm nâng cao trình độ đại học văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh. 

Sau khi thông báo phát đi, đến tháng 6/2019, lớp đại học văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh của đại học Đông Đô đã hoàn thiện ổn định lớp học và địa điểm “ổn định” tại trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện Lý Nhân. Các học viên cũng đã đóng học phí đợt 1 tại nơi học, mức học phí thực thu có điều chỉnh khá cao.

Đại học Đông Đô liên kết với một số địa phương để tuyển sinh văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh.

Khóa học chỉ kéo dài vài ngày?

Với lời quảng cáo "có cánh" về tác dụng của tấm bằng đại học đào tạo văn bằng 2 chính quy của đại học Đông Đô, không ít học viên - chủ yếu là người đã đi làm đã chi vài chục triệu để đăng ký học tại đây. Một nguyên nhân khác cũng hấp dẫn không kém để trường Đông Đô chiêu sinh, đó là khóa học đại học cấp tốc đến khó tin.

Trường đại học Đông Đô - cơ sở 60B Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội.

Để hiểu rõ hơn về “cái nôi” tạo ra những tấm bằng này, phóng viên báo Người Đưa Tin đã liên hệ với một số học viên đã tốt nghiệp khóa học.

Anh N.V.H. (Bắc Ninh), giảng viên học viện N.H cho biết anh biết đến thông tin chiêu sinh văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh của trường đại học Đông Đô trên mạng xã hội.

Anh H. cho biết: “Bản thân tôi cũng chỉ là người học nên khi thấy trường đại học Đông Đô đưa ra một chương trình học phù hợp với người đã đi làm và phòng đào tạo cũng tuyển sinh, cảm thấy hợp lý thì tôi đã quyết định đăng ký. Nếu tấm bằng mà trường cấp là sai quy định thì những học viên như chúng tôi cũng chỉ là người bị hại thôi”.

Qua trao đổi, được biết, anh H. đã nộp học phí bằng hình thức giao dịch qua người quen môi giới. Anh tiết lộ: “Con số về học phí không cố định, có thể là 30 triệu đồng, 40 triệu đồng, 50 triệu đồng hay thậm chí cả 100 triệu đồng thì cũng còn tùy thuộc từng mối quan hệ của học viên”.

Điều đáng nói, khóa học mà anh H. đăng ký tuyển sinh và tham gia chỉ kéo dài trong vài ba ngày và được nhận bằng luôn trong năm 2018. “Tôi đã đến làm bài thi tại cơ sở tại 60B Nguyễn Huy Tưởng. Theo chương trình học của khóa đào tạo, có bao nhiêu bài thi thì tôi phải làm bấy nhiêu bài. Những phần không thể tự làm thì tôi chép, trong vài ba ngày là hoàn thành”.

Theo anh H., chỉ sau buổi chép bài thi đó mấy tháng thì được cấp bằng luôn, tuy nhiên, anh cũng chưa sử dụng bằng, vì anh đăng ký học văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh làm “của để dành”, khi có việc cần sẽ dùng.

Một trường hợp tương tự cũng là giảng viên học viện N.H, anh T.A.K. (Hà Nội) cho biết đã nhận văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh tại trường đại học Đông Đô. Anh K. thừa nhận, nhờ có người giới thiệu người kia nên biết trường đại học Đông Đô tổ chức tuyển sinh, cấp văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh nên đã đăng ký.

Anh K. cho biết, khi phát hiện thấy việc trường đại học Đông Đô cấp bằng “không ổn” nên yêu cầu trường tổ chức cho học lại một cách… đàng hoàng. Tuy nhiên, anh K. đợi mãi vẫn chưa thấy lớp do nhà trường mở để đi học lại.

Lời giải đáp không thuyết phục

Thời điểm đó (tháng 6/2019), phóng viên báo Người Đưa Tin đã có buổi liên hệ làm việc với trường đại học Đông Đô. Trước những thắc mắc của học viên về việc đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh của trường, bà Nguyễn Hải Yến, phụ trách phòng Đào tạo của đại học Đông Đô khẳng định: “Trường đại học Đông Đô được phép tuyển sinh đào tạo đại học chính quy ngành Ngôn ngữ Anh (văn bằng 1) từ năm 1995, đến nay đã có hơn 20 khóa tốt nghiệp. Theo Thông tư của bộ GD&ĐT về quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân, chúng tôi được phép tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 sau khi có 2 khóa đại học chính quy tốt nghiệp.

Từ năm 2015 đến nay, trường vẫn đăng ký và báo cáo chỉ tiêu với bộ GD&ĐT. Chúng tôi sẽ liên hệ lại thông tin với Bộ để xác minh, đồng thời cũng sẽ rà soát lại các quy định liên quan đến văn bằng 2”.

Trên thực tế, lời khẳng định của bà Yến là thiếu cơ sở. Theo tìm hiểu của phóng viên báo Người Đưa Tin, điều 3, Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT của bộ GD&ĐT quy định: ngoài quy định cho phép các trường tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 sau khi có 2 khóa đại học chính quy tốt nghiệp, cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ GD&ĐT. Trên cơ sở đề nghị về chỉ tiêu đào tạo đại học hệ chính quy hàng năm và các điều kiện bảo đảm chất lượng, Bộ sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 đại học cho các cơ sở có đủ điều kiện.

Xin thông tin học viên để “rà soát” lại   Đối với thông tin có những học viên không qua đào tạo thực tế, được hợp thức bằng việc cho học viên chép hoàn thiện hơn 20 bài thi đầu vào, thi hết các môn và thi tốt nghiệp, bà Nguyễn Hải Yến, phụ trách phòng Đào tạo của đại học Đông Đô cam đoan không có chuyện đó. “Tôi khẳng định là trường đại học Đông Đô không hề có chuyện đó xảy ra. Nếu báo chí có thông tin từ cá nhân nào nói rằng chúng tôi đã đào tạo “cấp tốc” để cấp bằng như vậy có thể cho chúng tôi xin lại thông tin để rà soát kiểm tra lại. Nếu có xảy ra tình trạng đó thì chúng tôi sẽ xử lý giáo viên lớp đó. Có thể có một số cá nhân “bịa chuyện” không hay về trường, với mục đích cạnh tranh”, bà nói.

Ngày 5/6/2019, bà Phạm Hằng, đại diện truyền thông trường đại học Đông Đô đã cung cấp cho PV Người Đưa Tin một số tài liệu được cho là có thể chứng minh được việc bộ GD&ĐT đã cho phép trường tuyển sinh đào tạo và cấp văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh.

Tuy nhiên, các tài liệu do bà Hằng cung cấp là hai thông báo về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 và 2017 do Phó Vụ trưởng vụ Kế hoạch - Tài chính, bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Áng ký thay Vụ trưởng vào các ngày 24/2/2016 và 7/3/2017.

Trong đó, phụ lục đính kèm 2 thông báo trên chỉ ghi trường đăng ký tuyển sinh mỗi năm 2016 và 2017 là 150 chỉ tiêu đào tạo Văn bằng 2 chính quy cho 3 khối ngành gồm Khối ngành III, Khối ngành V và Khối ngành VII. 

Trái ngược với các chứng cứ mà đại diện trường đại học Đông Đô đưa ra, trong một tài liệu mà PV Người Đưa Tin có được, bộ GD&ĐT đã gửi công văn phúc đáp đến cơ quan chức năng khẳng định: "Trường đại học Đông Đô chưa được bộ GD&ĐT cho phép đào tạo bằng đại học thứ 2 hệ chính quy ngành Ngôn ngữ Anh theo Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2001 của Bộ trưởng bộ GD&ĐT quy định đào tạo để cấp bằng đại học thứ 2".

Nguyên Phó Hiệu trưởng trường đại học Đông Đô - cũng cho biết: “Cho đến thời điểm tôi còn là Phó Hiệu trưởng, tức là khoảng tháng 6/2018, chưa có văn bản nào của bộ GD&ĐT cho phép đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh. Những người cho biết được phép tuyển sinh hiện nay cũng chỉ là ngụy biện, đó cũng là một trong những “đầu mối” để tuyển sinh, họ hiểu rõ hơn ai hết”.

Liên quan đến những sai phạm trên, ngày 19/7, cơ quan An ninh điều tra bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Đại học Đông Đô. 

Đến ngày 1/8 vừa qua, ông Dương Văn Hòa (SN 1983, Hiệu trưởng trường đại học Đông Đô) và ông Trần Ngọc Quang (SN 1962, Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên trường đại học Đông Đô) bị khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra về tội Giả mạo trong công tác theo Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cùng ngày, bà Phạm Vân Thùy (SN 1981, cán bộ trường đại học Đông Đô) và Lê Thị Lương (SN 1996, cán bộ trường đại học Đông Đô) cũng bị khởi tố, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét chỗ ở, nơi làm việc.

Bị can Dương Văn Hòa, Trần Ngọc Quang, Phạm Vân Thùy. (Ảnh từ trái qua phải)

Nguyễn Hường - Thủy Tiên