Giáo dục

Đại học Đông Đô và những tấm bằng vô giá trị - Bài 1: Học phí "trên trời"

Trước khi Hiệu trưởng đại học Đông Đô Dương Văn Hòa cùng các đồng phạm bị khởi tố và bắt giam, PV Người Đưa Tin đã nhận được nhiều nguồn tin phản ánh về việc cấp bằng tốt nghiệp hệ Văn bằng 2 chính quy tại trường cho các học viên không đúng quy định của bộ GD&ĐT. Từ manh mối được cung cấp, PV đã vào cuộc tìm hiểu thông tin và hé lộ những bê bối trong quá trình đào tạo tại ngôi trường này.

LTS: Việc cấp văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh tại đại học Đông Đô có những dấu hiệu sai phạm nhất định. Vì trường không được phép mở mã ngành nên các học viên tốt nghiệp chỉ cầm trên tay một tấm bằng vô giá trị, trong số đó có nhiều học viên hoàn thành khóa học chỉ sau vài ngày chép bài thi. Để chỉ rõ những sai phạm trên, báo Người Đưa Tin khởi đăng loạt bài “Đại học Đông Đô và những tấm bằng vô giá trị”.

Hàng loạt tấm bằng đến tay học viên

Tháng 5/2019, phóng viên báo Người Đưa Tin đã nhận được phản ánh về việc trường đại học Đông Đô tuyển sinh đào tạo và cấp văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh mặc dù trường không được cấp phép mở mã ngành này.

Qua quá trình thu thập tài liệu, được biết, giai đoạn 2015 - 2016, trường đại học Đông Đô không tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh, đến giữa năm 2017 mới thực hiện tuyển sinh đào tạo mã ngành này.

Cụ thể, số lượng tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh đến nay khoảng trên 2.000 học viên, trong đó có khoảng 400 học viên không tuyển sinh đào tạo đúng quy định nhưng vẫn được cấp bằng, tổ chức cho chép bài thi để hợp thức hoàn thiện trong một vài ngày.

Các học viên được công nhận tốt nghiệp đại học hệ văn bằng 2 chính quy đợt I năm 2018 ngành Ngôn ngữ Anh do Hiệu trưởng đại học Đông Đô - ông Dương Văn Hòa ký ngày 25/5/2018; ngày 2/10/2018. Một số trường hợp được ông Trần Ngọc Quang, Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên trường đại học Đông Đô ký và đóng dấu xác nhận đã học xong các môn trong chương trình đào tạo.

Trường đại học Đông Đô - cơ sở 60B Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội.

Xếp hồ sơ chờ khóa mới

Cuối tháng 5/2019, trong vai là người có nhu cầu đăng ký học văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh, phóng viên báo Người Đưa Tin đã đến trường đại học Đông Đô để ghi nhận thực tế.

Tiếp học viên (do PV đóng vai) tại phòng tuyển sinh tại cơ sở 60B Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội), ông Nguyễn Ngọc Minh, phó giám đốc trung tâm tuyển sinh đã tư vấn rất nhiệt tình. 

Sau khi nghe chúng tôi trình bày nguyện vọng muốn tìm lớp đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh, vị Phó Giám đốc đã cẩn thận dò hỏi ai là người giới thiệu.

Tiết lộ một chút thông tin về những nhóm học viên từng học tại đây, chúng tôi ngay lập tức bày tỏ nhu cầu học để lấy bằng phục vụ cho công việc. Sau khi PV vượt qua được vài "thử thách", vị Phó Giám đốc bắt đầu cởi mở hơn và giới thiệu những thông tin cơ bản về khóa học.

Sau khi đã nắm được nhu cầu của chúng tôi, ông Minh yêu cầu một nhân viên mang hồ sơ vànhắc chúng tôi bổ sung bản photo công chứng những giấy tờ, bằng cấp cần thiết.

Tuy nhiên, vị phó giám đốc cũng dặn dò thời gian này mới chỉ tiếp nhận hồ sơ, còn lịch học cụ thể chưa thông báo. Ông đưa lý do: “Hiện tại, tất cả các khóa đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh của chúng tôi đã gần kết thúc, chờ hoàn thành các bài thi để được cấp bằng hoàn thiện.

Vì vậy, chúng tôi sẽ chỉ tiếp nhận hồ sơ trong thời điểm này và sẽ cố gắng sắp xếp lớp học sớm nhất cho học viên. Còn việc chờ bao lâu mới có lớp thì tôi cũng chưa thể khẳng định ngay bây giờ”.

Thông tin tuyển sinh của đại học Đông Đô tại cơ sở 60B Nguyễn Huy Tưởng.

Theo ông Minh, trước khi tổ chức thi đầu vào, trường đại học Đông Đô cũng sẽ tổ chức các lớp ôn luyện trước kỳ thi để tạo điều kiện cho học viên.

Trao đổi về học phí của khóa học văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh, ông Nguyễn Ngọc Minh cũng cho biết: “Có 2 mức học phí khác nhau. Đối với sinh viên tại tầng 5, cơ sở 60B Nguyễn Huy Tưởng là 29.820.000 đồng, còn trước đây, đối với sinh viên tại các cơ sở khác là 35.000.000 đồng”.

Khi phóng viên thẳng thắn đặt vấn đề muốn học “nước rút”, ông Minh gợi ý: “Trong quá trình đào tạo, vì học viên toàn những người đã đi làm, vướng bận công việc, nên cũng không thể học tập thường xuyên được như thời sinh viên. Vì thế, các học viên có thể “nói khó” với thầy cô “du di” thời gian học cho thoải mái hơn”.

Theo ông, ngoài việc thỏa thuận khéo léo giữa học viên với các giảng viên phụ trách môn, cũng chưa có cách nào để học “rút ngắn” hơn nữa.

Còn nữa...

Nguyễn Hường - Thủy Tiên