Tiêu dùng & Dư luận

Đại gia xuất khẩu gạo Vinafood 2 làm ăn ra sao?

Trước việc "thoái lui" các DNNN như Vinafood 2, chuyên gia Kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá là không phù hợp: "Đó không phải ưu tiên hàng đầu của các DNNN. Xin nhắc lại, các Tổng công ty Việt Nam phải đặt quyền lợi quốc gia lên hàng đầu."

Liên quan đến việc “mở tờ khai lúc nửa đêm”, theo thông tin từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong khoảng thời gian từ 24h ngày 11/4/2020 đến 19h34 ngày 12/4/2020 đã có 40 doanh nghiệp mở tờ khai xuất khẩu tại 13 Chi cục Hải quan. Số lượng gạo đã đăng ký là 399.999,73 tấn, trên tổng số 400.000 tấn theo hạn ngạch xuất khẩu gạo tháng 4.

 Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đứng thứ 2 với 38.357 tấn.

Nhiều doanh nghiệp trong nước không đồng tình với việc cơ quan hải quan mở tờ khai lúc nửa đêm khiến doanh nghiệp không nắm được thông tin để đăng ký. Trong khi đó, Tổng cục Hải quan cho rằng việc đăng ký mở tờ khai được thực hiện tự động, không có sự can thiệp của công chức ngành hải quan.

Xem thêm: Đại gia nào thắng đậm trong "cuộc đua mở tờ khai lúc nửa đêm"?

Theo tìm hiểu, số doanh nghiệp đã đăng ký mở tờ khai hải quan thành công để xuất khẩu gạo trong tháng 4 có nhiều tên tuổi lớn trong giới xuất khẩu gạo. Trong đó, riêng Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex có tới 102 tờ khai, đứng đầu trong danh sách khi đăng ký được 96.234 tấn, chiếm gần 25%.

Đứng thứ hai là Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) với 38.357 tấn.

Vinafood 2 là một trong những doanh nghiệp Nhà nước, được thực hiện chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Lương thực miền Nam sang hình thức công ty cổ phần từ ngày 9/10/2018. Hai cổ đông chính là Ủy ban quản lý vốn Nhà nước nắm giữ 51,43% vốn điều lệ và Công ty cổ phần Tập đoàn T&T nắm giữ 25%. 

Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này chỉ mới công bố báo cáo tài chính quý III/2019 với doanh thu thuần đạt 4.171 tỷ đồng, lợi nhuận gộp chỉ đạt hơn 310 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 13,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vì trong quý II/2019, công ty này lại ghi nhận khoản lỗ lên tới 91,5 tỷ đồng, nên lũy kế 9 tháng đầu năm, Vinafood 2 tiếp tục báo lỗ hơn 59 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu thuần đạt 12.824 tỷ đồng, hoàn thành 60% kế hoạch đề ra trong năm.

Theo giải trình từ phía Vinafood2, hoạt động kinh doanh thua lỗ là do tình hình giao dịch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm ngoái luôn trong tình trạng trầm lắng và tiêu thụ nội địa cũng chậm. Trong khi đó, nhu cầu mua rất yếu, giá chào mua rất thấp so với giá thành sản xuất khiến lợi nhuận giảm.

Tính đến hết quý III/2019, tổng tài sản của Vinafood2 đạt 8.322 tỷ đồng, giảm 6,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 44%, chủ yếu là hàng tồn kho 2.317 tỷ đồng. Tài sản dài hạn đạt 4.622 tỷ đồng, bao gồm tài sản cố định 3.494 tỷ đồng, đầu tư tài chính dài hạn 212,5 tỷ đồng, tài sản dài hạn khác 201 tỷ đồng,…

Trong khi đó, Vinafood 2 có 5.048 tỷ đồng tiền nợ, chiếm 60% tổng nguồn vốn.

Trong cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2020 diễn ra ngày 29/2 vừa qua, ban lãnh đạo Vinafood 2 đã quyết định bầu ông Võ Thanh Hà giữ chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2018 – 2023, đồng thời ông Hà cũng là người đại diện theo pháp luật thay cho ông Nguyễn Ngọc Nam. 

Trao đổi với An ninh tiền tệ, chuyên gia Kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá việc "thoái lui" của các DNNN như Vinafood 2 trong tình cảnh này là không phù hợp: "Những Công ty có vốn của nhà nước là những công ty phải phục vụ quyền lợi chung của đất nước trước quyền lợi riêng của DN. Công ty nào cũng phải chạy theo lợi nhuận. Khi có nhiều lợi nhuận, họ đóng thuế càng nhiều càng tốt cho quốc gia. Nhưng đó không phải ưu tiên hàng đầu của các DNNN. Xin nhắc lại, các Tổng công ty Việt Nam phải đặt quyền lợi quốc gia lên hàng đầu."

Vị chuyên gia này chỉ trích việc những DNNN này đi tìm kiếm lợi nhuận mà bỏ qua vấn đề an ninh lương thực quốc gia. Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra đề xuất: "Trong hoạt động xuất khẩu và dự trữ lương thực, Chính phủ cần có chính sách về an ninh lương thực thật chặt chẽ để có thể điều khiển, chỉ huy các DN để có thể kiểm soát được hoạt động phân phối và xuất khẩu gạo của nước ta.

Hiện nay chúng ta mới chỉ có kế hoạch ứng khó với tình huống hiện tại (về vấn đề xuất khẩu gạo), vẫn thiếu một chính sách về an ninh lương thực để các DN dựa vào và cân đối, như vậy mới có quyết định phù hợp."

Lê Lan (Tổng hợp)