Môi trường

Đại dương sẽ có nhiều nhựa hơn là cá?

Việc sản xuất và tiêu thụ nhựa gia tăng trong khi tỷ lệ tái chế thấp dẫn đến tăng lượng rác thải nhựa rò rỉ ra đại dương.

Chiều 20/7, Báo Điện tử VTC NEWS, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Ban Quản lý dự án về “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP – Việt Nam) và Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF – Việt Nam) tổ chức giải báo chí về “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” 2022. Đồng thời, phát động cuộc thi ảnh “Ô nhiễm trắng và những tác động đến hệ sinh thái biển” nhằm nâng cao nhận thức về một số thực tiễn và sáng tạo trong việc giảm sử dụng nhựa dùng một lần và giảm rác thải nhựa đại dương khu vực ASEAN.

Ông Lưu Anh Đức, Phó Vụ Trưởng Vụ Hợp Tác Quốc tế, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam tuyên bố lý do và giới thiệu chương trình. 

“Một trong những giải pháp mũi nhọn để giảm thiểu ô nhiễm ở đại dương là tuyên truyền, thay đổi nhận thức về tác hại của rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa đại dương. Đồng thời phổ biến về các chủ trương chính sách của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về vấn đề này. Trong đó báo chí luôn là phương tiện truyền thông và tuyên truyền chủ lực”, ông Lưu Anh Đức phát biểu.

Ông Anh Đức cũng thông tin, Việt Nam mỗi năm thải ra khoảng 3,5 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó chỉ có khoảng 10% đến 15% rác thải nhựa được thu gom và tái chế và khoảng 730.000 tấn rác thải rò rỉ ra biển mỗi năm. Do đó, chúng ta cần khẩn trương hành động để ngăn chặn những nguy cơ đại dương sẽ có nhiều nhựa hơn là cá.

Bà Nguyễn Thúy Quỳnh, Giám đốc Truyền thông và vận động chính của Tổ chức quốc tế về bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF)

Bà Nguyễn Thúy Quỳnh, Giám đốc Truyền thông và vận động chính của Tổ chức quốc tế về bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) đánh giá, Việt Nam cũng đã có đề án và tham gia xây dựng hoạt động toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Quan điểm Việt Nam là quốc gia tiên phong trong khu vực về giải quyết vấn đề rác thải nhựa góp phần xây dựng và thực thi thành công mô hình kinh tế toàn cầu, quản lý nhựa hiệu quả.

Tuy vậy, Việt Nam là một trong số những nước thải lượng lớn rác nhựa ra đại dương. Các nguồn thải rác nhựa đến từ đất liền được xem là nguồn rác thải chính và ở quy mô rộng hơn các nguồn thải ngoài đại dương. Từ đó, Nhựa có thể dần chiễm lĩnh không gian sống của loài sinh vật biển, phá hoại nguồn tài nguyên thiên nhiên đã ban tặng.

Hiện, chúng ta đang đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương và 100% các điểm du lịch kinh doanh và dịch vụ du lịch ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy.

Bên cạnh tập trung bảo vệ các hệ sinh thái và thúc đẩy bền vững do ảnh hưởng của ô nhiễm nhựa đại dương đang trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. WWF xây dựng chương trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa với cách tiếp cận toàn xã hội có sự tham gia của tất cả các bên liên quan bao gồm các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý các cấp, khối tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự và người dân.

Cuộc thi thi ảnh “Ô nhiễm trắng và những tác động đến hệ sinh thái biển”  chính thức phát động vào 20/7/2022 và nhận tác phẩm dự thi đến hết 30/9/2022. Tác giả có thể gửi ảnh qua email, website và trực tiếp tại báo điện tử VTC News.

Vi Sa