Tiêu điểm thế giới

Đại dịch Covid-19 xóa sổ thành quả 9 năm của ngành hàng không toàn cầu

Tổng thiệt hại ròng 201 tỷ USD trong thời kỳ đại dịch tương đương với thu nhập trong gần 9 năm của ngành hàng không, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế.

Ngành hàng không toàn cầu sẽ mất gần 12 tỷ USD trong năm tới, giảm 78% khoản lỗ so với năm nay, khi các hãng hàng không phục hồi dần sau đại dịch Covid-19, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết trong một cuộc họp thường niên tại Boston hôm 4/10.

IATA dự đoán, tổng thiệt hại trong năm nay sẽ ở mức 51,8 tỷ USD, cao hơn so ước tính hồi tháng 4 (47,7 tỷ USD), khi các chuyến bay vẫn bị hạn chế trong suốt mùa hè – mùa du lịch sôi động nhất của các nước Bắc Bán cầu.

Mức thâm hụt vào năm tới được dự báo cho toàn ngành là 11,6 tỷ USD. Khoản lỗ của năm ngoái đã được điều chỉnh tăng từ 126 tỷ USD lên thành 138 tỷ.

Tổng thiệt hại ròng 201 tỷ USD trong thời kỳ dại dịch tương đương với thu nhập trong gần 9 năm của ngành, theo số liệu của IATA, cơ quan đại diện cho 290 hãng hàng không khai thác hơn 80% lưu lượng hàng không trên thế giới.

Những hạn chế, sự bất định và phức tạp khiến du lịch quốc tế chậm phục hồi hơn so với du lịch nội địa. Ảnh: KATV

Trong khi du lịch nội địa và khu vực đã bắt đầu phục hồi, có rất ít sự phục hồi được nhìn thấy ở các tuyến kinh doanh trải dài trên toàn cầu cực kỳ trọng yếu đối với nhiều hãng hàng không.

“Tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19 đối với các hãng hàng không là rất lớn,” Tổng Giám đốc IATA Willie Walsh phát biểu trước cuộc họp thường niên trực tiếp đầu tiên của IATA kể từ tháng 6/2019.

Gánh nặng từ mục tiêu khí hậu

Các hãng hàng không phải đối mặt với một thách thức lớn hơn trong việc đáp ứng các mục tiêu về giảm dấu chân carbon của ngành.

Áp lực, bắt đầu trước khi đại dịch nổ ra, đã tăng lên trong những tháng gần đây.

Trong cuộc họp hôm 4/10, IATA đã tăng tốc các mục tiêu của mình, với việc đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Mỹ đã sẵn sàng mở cửa biên giới của mình cho du khách xuyên Đại Tây Dương vào tháng tới. Nhưng các thị trường đường dài khác vẫn trong tình trạng ảm đạm, đặc biệt là các thị trường kết nối châu Á với châu Âu và Bắc Mỹ.

“Hành khách không từ bỏ mong muốn đi du lịch, như chúng ta thấy ở khả năng phục hồi vững chắc của thị trường nội địa. Nhưng họ đang gặp phải trở ngại khi du lịch quốc tế bởi những hạn chế, sự bất định và phức tạp”.

Tổng Giám đốc IATA Willie Walsh cho rằng ngành hàng không đã vượt qua điểm sâu nhất của cuộc khủng hoảng và con đường để phục hồi đang trải ra trước mắt. Ảnh: BTN Europe

Lưu lượng hành khách trong năm nay dự kiến ​​sẽ đạt 2,3 tỷ người, tương đương 40% mức trước đại dịch, và tăng lên thành 61% vào năm 2022, với số lượng khách du lịch là 3,4 tỷ người.

Con số này tương đương với số lượng hành khách của năm 2014, nhưng giảm khoảng 1/4 so với con số của năm 2019.

Để hỗ trợ phục hồi, Walsh kêu gọi các chính phủ đơn giản hóa quy định nghiêm ngặt về vận tải và cho phép những du khách đã tiêm vắc-xin di chuyển tự do giữa các quốc gia.

“Các hạn chế đi lại giúp chính phủ có thời gian để ứng phó trong những ngày đầu của đại dịch”, ông cho biết. “Gần hai năm sau, chính sách này đã không còn phù hợp nữa”.

Walsh cho biết, việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại quốc tế liên quan đến đại dịch sẽ thúc đẩy việc đặt vé bay, đồng thời bày tỏ quan ngại về việc các quốc gia thiếu hướng dẫn thống nhất cho các giao thức an toàn như khung thời gian xét nghiệm Covid-19, miễn trừ dựa trên độ tuổi và các phương pháp xác nhận tiêm chủng.

Ngành hàng không toàn cầu phục hồi không đồng đều

Trong số các khu vực trên toàn cầu, chỉ có các hãng hàng không ở Bắc Mỹ được dự báo là có lãi trở lại vào năm tới, với gần 10 tỷ USD thu nhập ròng.

Theo IATA, các hãng hàng không châu Âu sẽ lỗ khoảng 9,2 tỷ USD, trong khi các nhà khai thác Trung Đông, phụ thuộc nhiều vào các tuyến liên lục địa, sẽ thâm hụt 4,6 tỷ USD.

Walsh, từng là CEO của IAG SA, chủ sở hữu hãng hàng không British Airways, đã đưa ra một số nhận định lạc quan. Ông cho rằng, ngành hàng không “đã vượt qua điểm sâu nhất của cuộc khủng hoảng” và “con đường phục hồi đang trải ra trước mắt”.

Theo IATA, lưu lượng hành khách trong năm nay dự kiến sẽ đạt 2,3 tỷ người, tương đương 40% mức trước đại dịch. Ảnh: SF Gate

Các chuyến bay nội địa, được hưởng lợi từ việc dỡ bỏ các hạn chế, sẽ gần như lấy lại lượng hành khách vào năm tới, IATA cho biết.

Vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không là một điểm sáng khác, với nhu cầu năm nay dự kiến sẽ cao hơn 8% so với mức của năm 2019, và tăng lên hơn 13% vào năm 2022, trong bối cảnh lượng hàng vận chuyển tăng vọt do nhu cầu toàn cầu phục hổi và việc chuyển sang mua hàng trực tuyến.

Walsh cho biết, các hãng hàng không sẽ tiếp tục cần các biện pháp hỗ trợ tiền lương từ chính phủ cho đến khi du lịch quốc tế hồi phục trên quy mô lớn.

IATA dự báo, ngành hàng không sẽ có lãi trở lại vào năm 2023.

Các hãng hàng không được dự báo sẽ ghi nhận sự phục hồi về công suất phục vụ nhanh hơn so với sự phục hồi của lưu lượng hành khách, làm ảnh hưởng đến tỉ lệ lấp đầy chỗ ngồi. Hệ số tải khách trung bình dự kiến là khoảng 67% trong năm nay, tăng lên 75% vào năm 2022 - vẫn còn thấp so với con số kỷ lục 83% được thiết lập vào năm 2019.

Minh Đức