Xã hội

Dai dẳng vấn nạn chợ tự phát lấn chiếm lòng đường

Buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông là việc đang diễn ra hàng ngày tại chợ tự phát trước công ty TNHH Cự Thành.

Nguy hiểm rình rập

Gần 10 năm qua, người dân sống 2 bên tuyến quốc lộ 51 (khu vực ấp 5, xã An Phước, Long Thành, Đồng Nai) đoạn trước cổng công ty TNHH Cự Thành ngán ngẩm bởi sự nhếch nhác, lộn xộn với cảnh bán buôn của chợ tự phát tại đây.

Cảnh nhốn nháo này chủ yếu diễn ra thời điểm công nhân vào ca và tan ca. Buổi sáng bắt đầu từ 6-7h kéo dài đến gần 11h và chiều khoảng 15-16h đến gần 19h.

Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp luật, một đoạn đường dài trước cổng công ty TNHH Cự Thành bị người dân lấn chiếm để buôn bán. Các sạp hàng bày bán la liệt, từ trong hành lang cho đến giữa lòng đường, kèm theo đó là dòng nước thải đen kịt, bốc mùi hôi.

Nhiều người điều khiển xe máy khi lưu thông qua rất khó khăn vì lối đi bị các xe bán rau, trái cây, thịt, cá lấn chiếm.

Chợ hoạt động cho đến chiều muộn.

Điều đáng nói, trong khi nhiều phương tiện giao thông như xe tải, xe container, xe khách đường dài chạy sát bên với tốc độ cao thì người mua, người bán vẫn không mảy may lo sợ tai nạn có thể xảy ra.

Để thông tin được rõ hơn, PV có buổi làm việc với ông Lê Đỗ Chung - Phó Chủ tịch UBND xã An Phước. Tại đây, ông Chung cung cấp cho PV một báo cáo của Công an xã An Phước về công tác lập lại trật tự đảm bảo an toàn giao thông, chống lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường.

Theo đó, trong 1 năm qua, Công an xã An Phước đã tiến hành 65 đợt tuần tra trước công ty Cự Thành, thu nhiều vật dụng buôn bán và lập biên bản 10 hộ cam kết không tổ chức buôn bán lấn chiếm hành lang lòng lề đường.

Tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường buôn bán diễn ra hàng ngày.

Trong Văn bản nêu rõ những khó khăn, vướng mắc như: Nếu có lực lượng chức năng thì người dân chấp hành nhưng khi rời đi thì người dân tiếp tục buôn bán lưu động, tràn ra đường lấn chiếm hết phần đường dành cho mô tô, gây cản trở giao thông, mất vệ sinh môi trường.

Trong quá trình lực lượng công an đi giải tỏa lòng lề đường thì không có xe ô tô vận chuyển tang vật vi phạm, nên dẫn tới hiệu quả công tác chưa cao.

Ngoài ra, việc khó xử lý nhất đó chính là cổng công ty Cự Thành là nơi các tiểu thương “né tránh" khi lực lượng chức năng tới xử lý vi phạm. Vì trước cổng công ty là địa phận thuộc quyền quản lý và trách nhiệm của công ty, nên đó là điểm khó cho lực lượng công an.

Phương án nào giải quyết dứt điểm ?

Trao đổi với PV, ông Chung cho biết, hiện tại chợ mới đã được chủ đầu tư mở rộng, sang sửa chỉn chu, sạch sẽ. UBND xã sẽ vận động các tiểu thương di dời vào chợ mới và sẽ có phương án đề xuất để lập chốt tuần tra phối hợp cùng bảo vệ công ty Cự Thành.

Cần có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Đồng thời, công an xã đã có văn bản dự thảo quy chế phối hợp cùng công ty Cự Thành trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn.

Văn bản có ghi rõ quy chế xây dựng, nội dung, trách nhiệm, mối quan hệ trên nguyên tắc phối hợp - thống nhất - bình đẳng - tôn trọng lẫn nhau.

Theo ông Chung, UBND xã này đang tiến hành cho bên công ty Cự Thành ký trước nhưng không hiểu vì sao công ty Cự Thành vẫn chưa tiến hành ký kết văn bản phối hợp cùng các cơ quan chức năng để xử lý vấn đề trên.

Để dẹp vấn nạn lấn chiếm lòng lề đường gây mất ATGT, ANTT, vệ sinh môi trường, mỹ quan độ thị, thiết nghĩ cần có sự hợp tác giữa UBND xã An Phước và công ty Cự Thành, để giải quyết dứt điểm vấn nạn trên.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Điều 12 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, quy định các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ như sau:

- Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 6; khoản 7; điểm a khoản 8 Điều này;

Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

d) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 3; khoản 4; điểm b, điểm c, điểm d khoản 5; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm e, điểm g, điểm h, điểm i khoản 6; khoản 7; điểm a khoản 8 Điều này buộc phải thu dọn rác, chất phế thải, phương tiện, vật tư, vật liệu, hàng hóa, máy móc, thiết bị, biển hiệu, biển quảng cáo, các loại vật dụng khác và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

- Ngoài ra, hành vi lấn chiếm lòng đường trái phép gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị xứ lý hình sự theo Điều 261 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Phạm Luân