Tiêu điểm

Đại biểu kiến nghị mở rộng đối tượng lao động cần được hỗ trợ

Thị trường lao động bị đứt gãy khiến người lao động gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. ĐBQH nhấn mạnh đây là vấn đề đại sự và không thể để cho một mình doanh nghiệp lo.

Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 4/1. Đây là một trong 4 nội dung quan trọng, cấp bách được xem xét thông qua lại kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV.

Tại tổ thảo luận số 3 với gần 20 đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, Hải Phòng, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Sóc Trăng và Kiên Giang.

Bà Nguyễn Thị Thuỷ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (đoàn ĐBQH Bắc Kạn) đánh giá, chương trình phục hồi kinh tế cơ bản đáp ứng được yêu cầu cho mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch.

Trong nội dung này, bà Thuỷ nhấn mạnh về việc giải pháp hỗ trợ người lao động được thực hiện với 2 mục đích là mời gọi thu hút người lao động quay trở lại và giữ chân người lao động. 

Mục đích thứ nhất đã được nêu rõ trong dự thảo Nghị quyết như hỗ trợ theo tháng, mỗi tháng hỗ trợ 1 triệu, 3 tháng là 3 triệu. Còn với những người đã quay lại làm việc sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, mục đích giữ chân người lao động làm việc lâu dài ở doanh nghiệp, bà cho rằng bản thân nhận thấy chưa rõ và chưa mạnh.

Bà nhấn mạnh: “Vừa qua khi thị trường lao động bị đứt gãy khiến người lao động gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Lao động là vấn đề đại sự và không thể để cho một mình doanh nghiệp, địa phương lo mà phải cả Nhà nước chung tay vào cùng".

Bà Nguyễn Thị Thuỷ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (đoàn ĐBQH Bắc Kạn).

Hiện tại dự thảo Nghị quyết đang đề xuất khoảng 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Tuy nhiên, đối tượng thụ hưởng chỉ bao gồm những người có quan hệ lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế trọng điểm còn lao động tự do thì không.

Trong khi đó, đợt dịch vừa qua đã cho thấy những người lao động ở những khu vực phi chính thức, lao động tự do đã bị ảnh hưởng nặng nề. 

Từ những phân tích trên, bà Thuỷ đề nghị những vấn đề liên quan đến người lao động như xét nghiệm, tư vấn, hỗ trợ nghề nghiệp cần được làm rõ hơn trong đề án. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ người lao động tự do, lao động phi chính thức. “Tôi cho rằng khoản 6.600 tỷ đồng này phải cân đối để tăng lên và mở rộng đối tượng ra”, bà nói.

Cùng thảo luận tại tổ, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, nhìn vào dự thảo Nghị quyết đang hướng vào các phục hồi của đầu tư công.

Theo ông Dung, đến thời điểm hiện tại, 2 gói chính sách hỗ trợ lao động, người sử dụng lao động gồm Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 đã hỗ trợ 71.000 tỷ đồng, số lượng người lao động, người sử dụng lao động được thụ hưởng là 42 triệu lượt người.

Trong đó, riêng Nghị quyết 68 kết cấu khoảng 26.000 tỷ đồng thì đến nay đã lên đến 31.000 tỷ đồng, còn Nghị quyết 116 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động có quy mô 38.000 tỷ đồng thì đã hoàn thành trên 37.900 tỷ đồng. Số còn lại sẽ được giải ngân hết trong tuần tới.

Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Nói về chương trình đào tạo nghề, trong dự thảo có nêu đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm là 3.150 tỷ đồng.

“Nếu tách ra thì thực chất, đào tạo người lao động, bồi dưỡng tay nghề chỉ có khoảng 1.500 tỷ đồng. Mà 1.500 tỷ đồng mà để phục vụ, hỗ trợ cho toàn bộ đào tạo nghề trong phục hồi thì có phải lớn hay không?”, Bộ trưởng nói và cho rằng, với con số nhỏ nhoi này, việc triển khai trong vòng 2 năm là quá đơn giản.

Ông Quàng Văn Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội nhìn nhận, việc đưa ra chính sách, phải hấp thụ được chính sách và quan trọng là tính hiệu quả của chính sách. Ông cũng đánh giá việc cần thiết phải đào tạo dạy nghề, trong đó bổ sung và xác định thêm nhóm đối tượng phi chính thức.