Hồ sơ điều tra

Xét xử "đại án" Bình Dương: Chối bỏ việc thuê người bán thịt lợn đứng tên công ty

Đến nay, Văn phòng tỉnh ủy, Thường trực tỉnh ủy đang quyết liệt giải quyết các tồn tại. Hành vi sai phạm của các cá nhân gây ra sẽ được làm rõ.

Ngày 17/8, TAND Tp. Hà Nội tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và 27 bị cáo liên quan.

Khai báo trước HĐXX, bị cáo Nguyễn Đại Dương cựu Chủ tịch HĐTV kiêm TGĐ Công ty SX-XNK Bình Dương tiếp tục không thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố ông về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Đồng thời, bị cáo Dương cũng khai không tham gia thành lập Công ty Âu Lạc, không soạn thảo bất cứ hợp đồng giữa công ty này với Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3/2) để thành lập liên doanh Công ty Tân Phú và phủ nhận việc nhờ anh Dương Đình Tâm (một người bán thịt lợn) đứng tên cổ đông thành lập Công ty Âu Lạc.

Theo lời khai của ông Nguyễn Quốc Hùng Tổng Giám đốc Công ty Âu Lạc (Công ty do bị cáo Dương thành lập), bị cáo Nguyễn Đại Dương là người đứng ra giới thiệu cho bị cáo gặp ông Nguyễn Văn Minh và bà Đặng Thị Kim Oanh để hợp tác làm ăn.

"Sau khi ký hợp đồng hợp tác liên doanh với Tổng Công ty 3/2, tôi có thông tin lại cho bị cáo Dương biết", bị cáo Hùng nói. Trình bày thêm với HĐXX, bị cáo Hùng cho biết, công việc hợp tác có khó khăn, vướng mắc gì, bị cáo đều báo cho bị cáo Nguyễn Đại Dương biết.

Trả lời câu hỏi thẩm vấn của đại diện VKS, bị cáo Hùng trình bày, khi Công ty Thuận Lợi chuyển tiền, bị cáo đã nói với Nguyễn Đại Dương: "Lúc đó, anh Dương nói với bị cáo, nếu chưa dùng đến tiền thì cho anh ấy mượn để kinh doanh ô tô".

Giải thích cho việc trong khi Công ty Âu Lạc còn chưa đủ tiền để trả cho Tổng Công ty 3/2 nhưng lại sẵn sàng đưa tiền cho Nguyễn Đại Dương vay, bị cáo Hùng trả lời, "Bị cáo hứa cho anh Dương vay tiền nên muốn giữ lời hứa, còn việc sử dụng hay không, bị cáo không nắm được; việc bị cáo cho anh Dương vay tiền là hoàn toàn bình thường, anh Dương cũng trả bị cáo đúng hạn".

 188 ha là thương hiệu của tỉnh Bình Dương

Đại diện VKS cho biết, việc công văn xin vốn góp giữa Tổng công ty 3-2 và Công ty Âu Lạc có phải gửi Thường trực Tỉnh ủy không? Bị cáo Trần Thanh Liêm cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho hay thời điểm chuyển nhượng bị cáo không biết nội dung này.

Đại diện VKS tại phiên tòa xét xử sơ thẩm

Bị cáo Trần Thanh Liêm cho biết cuối tháng 12/2015 đến tháng 9/2020 bị cáo là chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Sau này, bị cáo Liêm mới biết là công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy (thường trực lúc đó có 4 người gồm ông Trần Văn Nam - cựu bí thư Tỉnh ủy, ông Phạm Văn Cành - cựu Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, một Phó Bí thư khác và ông Liêm).

Cũng theo lời khai của bị cáo Liêm, sau khi có quyết định cổ phần hóa Tổng công ty 3-2, theo chỉ đạo, văn bản của Tỉnh ủy thì UBND tỉnh mới quyết định thành lập ban chỉ đạo do bị cáo là trưởng ban.

Ông Liêm cũng cho biết không nhớ hết những nội dung, trách nhiệm của ban chỉ đạo tham mưu cho UBND tỉnh cổ phần hóa theo quy định hiện hành của Nhà nước. Việc quyết định giá trị doanh nghiệp mà bị cáo ký có dựa vào báo cáo của kiểm toán: "Theo bị cáo hiểu thì kết quả là kiểm kê đánh giá phân loại tài sản".

Có mặt tại phiên xử, ông Phạm Văn Hiền - Chánh văn phòng, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, hai khu đất 43 ha và 145 ha nằm ở vị trí cửa ngõ, là nơi khẳng định hình ảnh, thương hiệu của tỉnh Bình Dương.

Lãnh đạo Thường trực tỉnh ủy giải quyết các tồn tại

Đến nay, Văn phòng tỉnh ủy, Thường trực tỉnh ủy đang quyết liệt giải quyết các tồn tại. Hành vi sai phạm của các cá nhân gây ra sẽ được các cơ quan tố tụng đưa ra phán quyết, còn trách nhiệm của tỉnh Bình Dương sẽ tìm mọi cách để làm đúng pháp luật.

Các bị cáo trong vụ chuyển nhượng "đất vàng" tại phiên tòa 

Liên quan đến khu đất 145 ha, giữa tỉnh ủy Bình Dương, Văn phòng tỉnh ủy, Công ty Tân Thành và các cá nhân, pháp nhân góp vốn có văn bản thống nhất sẽ hoàn trả khu đất cho Tỉnh ủy và Tỉnh ủy hoàn trả tiền vốn góp tại thời điểm góp vốn.

Đối với khu đất 43 ha, nếu tòa tuyên hủy các hợp đồng để trả lại khu đất cho tỉnh Bình Dương, Tỉnh ủy phải cho đấu giá khu đất đó, nếu không sẽ gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Ở một diễn biến khác tại phiên sơ thẩm, vị đại diện thừa nhận Tỉnh ủy Bình Dương từng có văn bản phê duyệt phương án sử dụng đất đối với Tổng Công ty 3/2 khi cổ phần hóa, trong đó nêu rõ khu đất 43 ha phải chuyển về cho Công ty Impco (trực thuộc Tỉnh ủy) quản lý.

“Theo văn bản này, khu đất 43 ha không còn là tài sản của Tổng Công ty 3/2, vậy lý do gì lại mang đi chuyển nhượng trái thẩm quyền. Tỉnh ủy có ý kiến gì?” – đại diện VKS hỏi.

Đại diện Tỉnh ủy Bình Dương cho biết tại thời điểm Tổng Công ty 3/2 chuyển nhượng 43 ha đất cho Công ty Tân Phú, Tỉnh ủy cũng như Thường trực Tỉnh ủy đều không nắm được thông tin.

Theo cáo trạng, Tổng Công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3-2) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, do tỉnh ủy Bình Dương là chủ sở hữu, tất cả tài sản của Tổng Công ty được giao quản lý, sử dụng đều thuộc sở hữu Nhà nước.

Do vậy, toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty 3-2 phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành đối với doanh nghiệp Nhà nước. 

Với vai trò là chủ sở hữu, trên cơ sở quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật về quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, tỉnh ủy Bình Dương cũng đã ban hành các quy định để quản lý.

Đồng thời cùng UBND tỉnh Bình Dương thực hiện trách nhiệm quản lý tài sản Nhà nước, tuân thủ các quy định của pháp luật để bảo toàn vốn, tài sản, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước tại Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương.

Tuy nhiên, các bị cáo đã có những hành vi sai phạm dẫn đến nhà nước bị thất thoát hơn 5.000 tỉ đồng.