Văn hoá

Đặc sản giun cát kỳ dị giá bạc triệu của biển Quảng Ninh

Nhìn cảnh những con giun hồng trắng trơn láng, lúc nha lúc nhúc khiến không ít thực khách phải nổi da gà, nhưng liệu có bao người biết rằng đây là loại đặc sản quý hiếm ở vùng biển Quảng Ninh

Những bãi cát ven biển Quảng Ninh là nơi sinh sống của loài thân mềm từng được coi là linh hồn của nước phở ngày trước.

Tại Việt Nam, tùy theo mỗi vùng, loài động vật này có nhiều tên gọi khác nhau như sâu đất, đồn đột, chặt khoai, giun biển, địa sâm, bi bi, con cạp đất, mồi nhưng người Quảng Ninh quen gọi là con sá sùng. Sá sùng được gọi lệch từ sa trùng. Sa là cát, trùng là giun, nói dễ hiểu là con giun cát.

Sá sùng.

Thoạt nhìn, ai cũng đều khiếp sợ với vẻ bề ngoài của một con giun màu hồng nhạt oằn mình uốn éo. Sá sùng thường có độ dài khoảng 5-10 cm, cũng có những con có độ dài đến 15–40cm, đường kính 20mm, nặng từ 1-3kg. Khi bị bắt lên khỏi mặt biển, chúng thu mình lại, tròn như một quả bóng, cái miệng bé như lỗ van bơm hơi.

Sá sùng có ở khắp các bãi triều ven biển từ thị xã Quảng Yên cho tới huyện Đầm Hà. Thế nhưng sá sùng ngon nhất phải kể đến 2 bãi triều Trước, Sau của Quan Lạn vì tại đây cát trắng, sạch, cho con sá sùng mình sáng màu. 

Sá sùng ngon nhất phải kể đến 2 bãi triều Trước, Sau của Quan Lạn

Để thu hoạch chúng, người ta sẽ phải chờ ngày nước cạn (thủy triều rút), từ sáng sớm đi thuyền ra những vùng cồn cát nổi giữa biển, dùng những chiếc thuổng dài xắn sâu xuống những lỗ nhỏ trên mặt cát sới lên để tìm và nhặt từng con. Đi đào sá sùng là một công việc khó khăn, gian khổ, đòi hỏi cả nhanh mắt và nhanh tay, là cả một nghệ thuật được những người dân (thường là phụ nữ) tích lũy sau nhiều năm vác mai trên đầm bãi nắng chang chang.

Người dân bắt sá sùng.

Sá sùng tươi được thu mua ngay trên bãi với giá cao ngất ngưởng 280.000 đến 300.000 đồng một kg. Thế nhưng thương lái mang về, chọn lọc, sơ chế, sấy trên bếp than và đóng gói thì giá một kg sá sùng phơi khô lên đến 3,8- 4 triệu đồng một kg, ngang ngửa với giá một chỉ vàng. Đó là lý do vì sao người ta bảo đi mua sá sùng Quan Lạn khô là săn "vàng ròng" của xã đảo.

Lí do sá sùng có giá ngất ngưởng như vậy bởi hương vị độc đáo của nó khiến dân sành ăn mê mẩn, tìm mối lùng mua bằng được. Chưa kể đến giá trị dinh dưỡng bên trong loài động vật này. 

Sá sùng khô.

Trong chế biến món ăn, sá sùng khô còn được dùng như một loại gia vị lý tưởng có thể thay thế cho mì chính, hạt nêm, nước hầm xương ống để tạo độ ngọt cho nồi canh hay nước dùng. Chỉ cần một vài con sá sùng khô thả vào nồi nước hầm là có vị ngọt, thơm đặc biệt không loại xương nào sánh được. Bản thân con sá sùng khô có vị ngọt tự nhiên rất đậm nên chỉ cần nướng qua là đã thành một món ăn bổ dưỡng.

Sá sùng ướp nướng.

Sá sùng tươi còn được chế biến thành các món rán, nướng, nấu canh, xào với tỏi tươi hay rang chấm với tương ớt hoặc nấu cháo cho người ốm bồi bổ sức khỏe. Trước đây, sá sùng khô có mặt trong nồi nước dùng của món phở truyền thống Hà Nội và Nam Định cho ra hương vị đặc biệt. 

Sá sùng từng là một loại gia vị không thể thiếu trong bát phở xưa.

Tuy nhiên do sống dưới cát nên trước chế biến người nấu cần sơ chế kỹ càng để tránh sạn. Ta phải xoa sá sùng cho kỹ, vặt hết phần đầu đi để tránh cát sót lại. Phần đầu của sá sùng không cần thiết phải bỏ đi mà có thể giữ lại nấu canh.

Bên cạnh giá trị ẩm thực, sá sùng còn nổi tiếng với công dụng bồi bổ sức khỏe vô cùng công hiệu. Nhiều nguồn tin cho biết, sá sùng có lượng đạm khá cao, chứa 17 nguyên tố khoáng, 18 loại acid amin nên rất tốt cho cơ thể, tăng cường sinh lực.

Sá sùng nổi tiếng với công dụng bồi bổ sức khỏe vô cùng công hiệu.

Đối với y học, đây cũng được coi là một loại dược liệu quý. Sá sùng thường được nhiều người dùng để chữa nhiều chứng bệnh như đổ mồ hôi trộm, trong ngực bứt rứt buồn bực không yên; ho khạc đờm nhiều do phế hư; tiểu đêm nhiều; răng lợi sưng đau, đặc biệt rất tốt cho trẻ con và nam giới.

Chính vì vậy nên đến Quảng Ninh mà không thử sá sùng thì quả là một điều thiếu sót.

Canh sá sùng thanh mát giải nhiệt.

Bá Di (Tổng hợp)