Thế giới

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc: Cần phối hợp với Taliban để hỗ trợ người dân

Đặc phái viên LHQ Deborah Lyons cho rằng cộng đồng quốc tế không có lựa chọn nào khác ngoài phối hợp với Taliban nếu muốn hỗ trợ thực chất cho người dân Afghanistan.

Phát biểu tại cuộc họp ở Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, bà Deborah Lyons- đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đồng thời là người đứng đầu phái bộ hỗ trợ của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan (UNAMA) - nêu rõ quan điểm, không thể thực sự giúp đỡ người dân Afghanistan nếu không phối hợp với lực lượng đang nắm quyền trên thực tế ở nước này là Taliban, Vietnam+ đưa tin. 

Theo bà, dù phối hợp với Taliban có thể là điều khó chấp nhận nhưng rất cần thiết.

Bà Lyons cho rằng hiện vẫn còn sự thiếu tin tưởng lẫn nhau vốn tồn tại từ lâu giữa Taliban và phần lớn cộng đồng quốc tế, thậm chí cả các nước trong khu vực, các nước láng giềng của Afghanistan.

Bà Deborah Lyons, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Afghanistan.

Bà Lyons cho biết, phía Taliban phản ánh rằng các báo cáo của cộng đồng quốc tế chưa đúng thực tế tại Afghanistan, không đánh giá đúng những nỗ lực và thành quả của Taliban trong khi phóng đại các vấn đề mà Taliban đã thừa nhận và đang cố gắng giải quyết.

Bà dẫn phản ánh của Taliban nêu rõ tình hình an ninh tại Afghanistan đã được cải thiện, sau 6 tháng các vụ bạo lực dân sự gây chết người đã giảm 78%.

Taliban khẳng định đã đạt những tiến bộ về kinh tế như có nguồn thu cao hơn dù hoạt động kinh tế giảm, giảm tham nhũng trong chính quyền và có được một ngân sách mà không cần các nguồn tài trợ; các trường đại học công đã mở cửa trở lại với mong muốn sinh viên Afghanistan, bất kể nam hay nữ, đều sẽ được theo học với những tiêu chuẩn quốc tế cao hơn.

Ngày 2/3, kỷ niệm ngày ký kết Thỏa thuận Doha giữa Mỹ và Taliban, lực lượng này tái khẳng định cam kết đảm bảo Afghanistan sẽ không trở thành mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào, bày tỏ mong muốn có quan hệ tốt với tất cả các nước và các tổ chức quốc tế.

Bà Lyons dẫn lời người được chính quyền Taliban chỉ định làm Ngoại trưởng Afghanistan cho rằng cộng đồng quốc tế đang tiến hành một cuộc chiến tranh kinh tế với Afghanistan, làm tổn hại những thành tựu tích cực mà Taliban đã đạt được và làm gia tăng khó khăn của người dân.

Bà Lyons cho biết, UNAMA đang nỗ lực làm cầu nối và đã chuyển thông điệp tới Taliban về những quan ngại của cộng đồng quốc tế và đặc biệt là những ý kiến từ Hội đồng Bảo an. UNAMA cũng đã tìm cách liên hệ mang tính xây dựng và phối hợp với Taliban để tháo gỡ nhiều vấn đề, trong đó có hoạt động vận chuyển hỗ trợ nhân đạo.

Bà Lyons khẳng định, phối hợp với Taliban không có nghĩa là bỏ qua mọi điều mà lực lượng này gây ra, nhưng sẽ mang lại cơ hội để giúp đỡ định hình tương lai cho người dân Afghanistan.

Taliban và các cá nhân liên quan nằm trong danh sách trừng phạt quốc tế của Liên Hợp Quốc và nhiều nước phương Tây vì hoạt động khủng bố, tài trợ khủng bố.

Viện trợ quốc tế chiếm đến 80% ngân sách hoạt động của chính phủ cũ tại Afghanistan. Sau ngày 15/8/2021, khi Taliban trỗi dậy giành chính quyền, viện trợ quốc tế dành cho Afghanistan lập tức bị cắt bởi các quốc gia, tổ chức quốc tế có nghĩa vụ tuân thủ lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc với Taliban.

Mỹ, nhà tài trợ lớn nhất của Afghanistan trong 20 năm qua, đã phong tỏa khoản tiền gần 10 tỷ USD vốn là tài sản dự trữ của Ngân hàng Trung ương Afghanistan. Đồng thời, các nhà tài trợ quốc tế khác cũng đóng băng nguồn viện trợ dành cho phát triển.

Không có viện trợ nước ngoài, chính phủ mới của Taliban không còn nguồn tiền để chi trả cho các dịch vụ công cộng như y tế, năng lượng, nước sạch.

Hàng trăm nghìn nhân viên trong các ngành dịch vụ công không còn được trả lương. Hàng triệu người sống dựa vào thu nhập đến từ viện trợ nước ngoài ngay lập tức bị bần cùng hóa, rơi vào đói nghèo. Toàn bộ hệ thống bệnh viện công gần như tê liệt.

Cấm vận quốc tế cũng khiến các ngành kinh tế tư nhân và hoạt động thương mại lao đao. Afghanistan là quốc gia không có biển. Mọi hoạt động giao thương diễn ra bằng đường bộ và đường không. Sau ngày 31/8/2021, các tuyến bay thương mại, hàng hóa gần như tê liệt. Trong khi đó, nhiều tuyến biên giới trên bộ chưa được mở lại, hoạt động giao thương đường bộ không đủ để đáp ứng nhu cầu vận tải.

Bởi lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc và Mỹ, các ngân hàng thương mại Afghanistan bị cô lập hoàn toàn khỏi hệ thống tài chính quốc tế, gần như không thể giao dịch chuyển tiền và nhận tiền với bên ngoài.

Cộng đồng quốc tế không muốn Taliban nắm quyền kiểm soát tiền viện trợ, bởi không gì bảo đảm tổ chức này sẽ sử dụng số tiền để cứu trợ công bằng, cũng như rủi ro Taliban sử dụng tiền phục vụ các mục đích cực đoan, khủng bố.

Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Zing)