Văn hoá

Dã quỳ phủ sắc vàng rực rỡ

Từ cuối tháng 10, khi những cơn mưa ở Tây Nguyên tạnh hẳn, từng cơn gió se lạnh mang chút nắng nhẹ bắt đầu tràn khắp các sườn đồi. Đây cũng là lúc dã quỳ nở rộ.

Những vạt hoa vàng rực xuất hiện khắp nơi, khoe sắc vàng mê mải làm say lòng người. 

Dã quỳ thuộc họ cúc, có tên khoa học là Tithonia diversifolia, tên tiếng Anh là wild sunflower. Là một loài cây bụi ưa nắng, hoa có nguồn gốc ở những vùng cận nhiệt và nhiệt đới. Hoa dã quỳ còn có nhiều tên gọi khác là cúc quỳ, sơn quỳ hay hướng dương dại...

Dã quỳ là một loài cây dại được người Pháp đưa vào trồng tại các đồn điền ở tỉnh Lâm Đồng từ đầu thế kỉ XX, với mục đích làm phân xanh cho các vườn cà phê, cao su.

Cây dã quỳ có hàm lượng dinh dưỡng cao và nhiều loại khoáng chất đặc biệt có thể thay thế nguồn kali vô cơ giúp cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng. Đến mùa trổ hoa, cây đem cho đời những đoá hoa mộc mạc, thanh khiết và rạng rỡ như tâm hồn người dân Cao nguyên.

Dã quỳ dễ dàng phát tán hạt đi khắp nơi, cây mọc lên dễ sống và sinh trưởng mạnh mẽ. Dần dà, dã quỳ chiếm lĩnh khắp các vùng đất hoang dã.

Dã quỳ mọc trên bờ rào, dã quỳ tràn xuống thung lũng, dã quỳ vươn mình phủ khắp các sườn đồi, vách núi... Vẻ đẹp giản đơn, ngọt ngào của loài hoa dại như những mặt trời nhỏ thắp sáng miền Cao nguyên. Hoa dã quỳ có ở nhiều nơi, nhưng không ở đâu dã quỳ lại đượm màu và dồi dào sức sống như ở miền đất Tây Nguyên nhiều nắng gió.

Giữa hoang vu, không ai vun bón mà cây vẫn đầy sức sống. Những bông hoa dã quỳ khỏe khoắn khoe sắc, ngời lên trong nắng vừa giống hoa mặt trời, vừa giống đóa cúc đại đóa, đẹp một vẻ hoang dã và kiêu hãnh.

Từ phía Bắc Tây Nguyên như tỉnh Kon Tum tới phía Nam như tỉnh Lâm Đồng, đâu đâu cũng bắt gặp những vạt hoa dã quỳ vàng tươi trải dài tít tắp.

Dã quỳ là loài hoa đặc trưng cho núi rừng, cho con người Tây Nguyên. Dã quỳ thường nở vào dịp cuối mùa thu, đầu mùa đông.

Khi những cơn mưa cuối mùa đã ngớt, nhường chỗ cho nắng vàng rót mật và gió lạnh hanh hao cũng là lúc từng vạt dã quỳ nở rộ. Nơi đâu cũng dễ dàng bắt gặp sắc vàng xao xuyến ấy. 

Bởi vậy, dã quỳ được ưu ái gọi là loài hoa của nắng. Thấy hoa dã quỳ là biết mùa mưa đã kết thúc, mùa khô đã về.

Hoa dã quỳ nở cũng báo hiệu bước vào mùa cưới ở Tây Nguyên. Bởi, những con đường, vạt đồi rực rỡ hoa dã quỳ là phông nền tuyệt đẹp cho những đôi trai gái yêu nhau chụp ảnh cưới.

Với giới văn nghệ sĩ, dã quỳ là đề tài không bao giờ cạn để sáng tác nên những vần thơ, những bức ảnh. Nhiều nhà thơ, nghệ sĩ cứ mỗi năm vào mùa dã quỳ rực rỡ nhất đều tranh thủ lên Tây Nguyên để tìm cảm hứng sáng tác.

Hoa dã quỳ không chỉ đẹp mà còn tượng trưng cho sức sống mãnh liệt. Trong những điều kiện khắc nghiệt hoa vẫn bền bỉ vươn mình và nở rộ trên những diện tích rộng lớn. 

Người dân Tây Nguyên thân thuộc với cây dã quỳ vì chúng có mặt khắp nơi, không chỉ đẹp mà còn mang lại cho người nông dân những lợi ích đặc biệt và có nhiều ứng dụng trong nông nghiệp.

Những ngày này, du khách lại đổ về Tp.Đà Lạt, Tp.Bảo Lộc của Lâm Đồng và khu vực núi lửa Chư Đăng Ya, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai để thưởng ngoạn và chụp hình lưu niệm. Những năm gần đây, khu vực này đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng bởi những triền hoa dã quỳ trải dài hàng ngàn hecta.