An ninh - Hình sự

Sắp xét xử phúc thẩm vụ làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

Một vụ án phức tạp với 4 bị cáo và 238 người có liên quan sắp được xét xử phúc thẩm tại TP. Đà Nẵng.

4 bị cáo 238 người có nghĩa vụ liên quan

Ngày 28/2, tin từ TAND TP.Đà Nẵng, đơn vị sẽ đưa ra xét xử phúc phẩm vụ án Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức vào đầu tháng 3/2021 tới.

Đây chính là kỳ án được dư luận địa phương hết sức quan tâm chú ý trong suốt 4 năm qua. Có 4 bị cáo là: Trần Văn Thôi (SN 1968) trú tổ 14, Phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu; Phan Viết Tiến (SN 1971) trú tổ 55, phường An Khê, quận Thanh Khê; Lê Sơn (SN 1964) trú tổ 108 phường Hòa Minh, Quận Liên Chiểu và Trịnh Duy Văn (SN 1959) trú tổ 64 Phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, cùng TP.Đà Nẵng. Trong đó, Trịnh Duy Văn là cựu cán bộ địa chính phường Hòa Khánh Nam.

Cả bốn bị VKSND TP.Đà Nẵng truy tố tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự. Đây là sự việc phức tạp với quá trình điều tra kéo dài từ năm 2018 - 2020 với nhiều lần đình chỉ bị can, phục hồi điều tra bị can. 

Trước đó, ở cấp sơ thẩm, tháng 11/2022, TAND quận Liên Chiểu đã xét xử và tuyên phạt Trần Văn Thôi 6 năm 6 tháng tù, Phan Viết Tiến 4 năm tù, 2 bị cáo Trịnh Duy Văn và Lê Sơn nhận mức án 2 năm 6 tháng tù. Sau đó, các bị cáo có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng cựu cán bộ phường Trịnh Duy Văn có đơn kêu oan.

Sau phiên tòa sơ thẩm tháng 11/2020, cựu cán bộ địa chính Trịnh Duy Văn đã kêu oan.

Theo bản án số 96/2020 của TAND quận Liên Chiểu, vào năm 2008, bà Nguyễn Thị Nhung (trú tổ 96, phường Hòa Khánh) mua 1 mảnh đất hoang mặt nước 550m2 tại phường Hòa Khánh Nam với giá 195 triệu đồng. Khi mua bán chỉ viết giấy tay, không có xác nhận của chính quyền địa phương. Đến năm 2013, bà Nhung bán lại 200m2 đất cho ông Huỳnh Hữu Bốn (trú địa phương) với giá 110 triệu đồng. Giao dịch này cũng chỉ có giấy viết tay giữa 2 bên.

Năm 2014, ông Bốn đến UBND phường Hòa Khánh nam trực tiếp gặp cán bộ địa chính là bị cáo Văn để làm thủ tục xin cấp sổ đỏ cho mảnh đất đã mua. Đồng thời, bà Nhung biết được việc này và nhờ ông Bốn làm giúp thủ tục để cấp sổ đỏ cho phần đất còn lại của mình.

Tại thời điểm này, hồ sơ đất ông Bốn, bà Nhung chỉ có giấy chuyển nhượng đất viết tay, giấy nhận tiền, giấy tờ nguồn gốc đất trước 1975…

Ông Văn biết hồ sơ đất trên không đủ điều kiện cấp sổ đỏ nên giới thiệu ông Bốn gặp ông Sơn nhờ làm giúp hồ sơ. Ông Sơn đồng ý nhận làm hồ sơ giả cho ông Bốn, bà Nhung với giá 2,5 triệu đồng/hồ sơ. Sau đó, bị cáo Sơn tiếp tục nhờ người khác. Tập hồ sơ này cuối cùng đến tay bị cáo Trần Văn Thôi.

Sau khi có hồ sơ giả, Sơn liên hệ với bà Nhung nhận các biên lai thu thuế để bổ sung hồ sơ cho bà Nhung. Số biên lai còn lại của bà Nhung, ông Sơn tẩy sửa và kẹp vào hồ sơ đất ông Bốn. Cuối cùng, Sơn mang hồ sơ trên đến UBND phường gặp và giao cho ông Văn để xác nhận.

Cựu cán bộ Trịnh Duy Văn biết hồ sơ này là giả nhưng vẫn ghi nội dung xác nhận và tham mưu trình Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam ký. Sau đó, Sơn mang hồ sơ lên nộp tại và đã được cơ quan thẩm quyền cấp sổ đỏ cho ông Bốn và bà Nhung.

Do đó, hành vi của Văn là đồng phạm với Sơn trong việc thực hiện tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Đối với Trần Văn Thôi, bản án sơ thẩm cũng thể hiện, tháng 8/2015, trước khi đi Thái Lan, Thôi tìm mua 1 bộ hồ sơ nguồn gốc đất thật. Khi đến Thái Lan, Thôi vào một cửa hiệu vẽ bảng hiệu đặt làm con dấu tròn UBND phường Hoà Khánh cùng các dấu khác để về Việt Nam thực hiện hành vi phạm tội làm giả tổng cộng 238 hồ sơ đất đai.

Vụ án phức tạp: Người xin giảm nhẹ, người kêu oan?!

Theo VKSND TP.Đà Nẵng, ngoài ra, trong vụ án này còn nhiều hồ sơ giả nhưng vẫn chưa xác định được đối tượng nào làm giả và những ai là người liên quan nên cơ quan điều tra tiếp tục củng cố chứng cứ, xác định vai trò và mức độ liên quan của từng cá nhân, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đây cũng được nhận định là vụ án rất phức tạp, số lượng hồ sơ làm giả và người có quyền, nghĩa vụ liên quan lên đến 238 người.

Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin Pháp luật, sau khi bị tuyên án, các bị cáo đã làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Trịnh Duy Văn kháng cáo, kêu oan khi cho rằng, mình không phạm tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. 

Theo đó, cựu cán bộ địa chính này nhận chỉ liên quan đến hồ sơ của ông Bốn và bà Nhung. Tuy nhiên, thời gian ông Bốn, bà Nhung làm hồ sơ đất là năm 2014 và được cấp sổ đỏ tháng 4/2015 nhưng đến tháng 8/2015, Trần Văn Thôi mới đi Thái Lan làm dấu giả. Do đó, việc truy tố Văn là đồng phạm với bị cáo Thôi là chưa hợp lý. Trong vụ án, bị cáo Văn cũng không trục lợi bất cứ khoản tiền từ cá nhân, tổ chức nào. Văn cho rằng bị cáo chỉ thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ.

Về mối quan hệ giữa ông Bốn, bà Nhung và ông Sơn, tại bản Kết luận điều tra bổ sung vụ án số 71/CSĐT-KT ngày 22/7/2020 của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Đà Nẵng thể hiện: “Ông Bốn biết Lê Sơn qua ông Văn giới thiệu. Ông Bốn không biết ông Sơn làm hồ sơ như thế nào. Sơn cũng không nói cho Bốn biết việc này. Bà Nhung nhờ Bốn làm giúp hồ sơ nguồn gốc đất cho mình. Bà Nhung không biết Bốn làm như thế nào và không nhận thức hồ sơ Bốn làm giúp là giả”.

Cũng liên quan đến vụ án, tòa sơ thẩm và VKS đã nhiều trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Riêng cựu cán bộ địa chính Trịnh Duy Văn đã từng có quyết định đình chỉ điều tra bị can số 03 ngày 23/11/2018 của cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Đà Nẵng. Đến ngày 21/1/2019, cơ quan này có quyết định phục hồi điều tra đối với bị can Văn.

Năm 2018, Thanh tra Đà Nẵng có kết luận thanh tra thể hiện có vi phạm trong quản lý đất đai ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Cơ quan thanh tra đã chuyển hồ sơ và đề nghị Công an TP.Đà Nẵng sớm điều tra làm rõ các nội dung có dấu hiệu tội phạm đối với 449 hồ sơ.

Ngoài khởi tố vụ án hình sự như trên, về mặt hành chính, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam và nhiều thuộc cấp các thời thời kỳ từ năm 2005 - 2018 cũng bị yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm.