Sự kiện

Đà Nẵng quay cuồng giữa "cơn bão" khủng hoảng nước sạch

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra nhiều ngày liền đã khiến hàng triệu dân Đà Nẵng lâm cảnh khổ sở. Chính quyền đang nỗ lực hết mình để giải quyết vấn đề.

Ngày 23/8, tức đã hơn 5 ngày liền (18/8 - 23/8), TP.Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng. Tình hình từ ngày 18/8 đến nay mỗi lúc một phức tạp, trầm trọng hơn.

Trước đó, UBND TP.Đà Nẵng đã phải họp khẩn bàn giải pháp sau "báo động đỏ" về nguồn nước sinh hoạt. Theo sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch diện rộng như hiện nay là do nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn.

Qua đánh giá số liệu đo độ mặn thì từ ngày 16/8 đã xuất hiện tình trạng nhiễm mặn, đặc biệt từ ngày 18 - 23/8, độ mặn thường xuyên vượt ngưỡng 1.000 mg/l. Vì vậy nguồn nước thô hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào trạm bơm phòng mặn An Trạch với công suất thiết kế 210.000 m3/ngđ. Trong khi đó nhu cầu sử dụng nước hiện nay trên toàn thành phố khoảng hơn 300.000 m3/ngđ.

Người Đà Nẵng đang quay cuồng trong cơn khát lịch sử.

Nói về giải pháp, sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho hay, các ban ngành đều đã vào cuộc theo kịch bản ứng phó đảm bảo cấp nước an toàn năm 2019 đã được chính quyền cao nhất địa phương thống nhất tại Công văn số 3566/UBND-SXD ngày 31/5/2019.

Để giải quyết tình trạng trước mắt, công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) sẽ thông báo đến người dân sử dụng nước bằng tin nhắn; cấp nước bằng xe bồn và bồn nước cố định, đặc biệt ưu tiên khu vực bệnh viện, trạm y tế; theo dõi chặt chẽ, áp lực nước từng khu vực cụ thể trên địa bàn thành phố, điều tiết nước luân phiên theo giờ.

Cơ quan chức năng TP.Đà Nẵng cũng đang liên hệ với các chủ hồ chứa thủy điện phía thượng nguồn và đề xuất giải pháp tăng lưu lượng nước xả về hạ du nhằm mục tiêu đẩy mặn; trong vòng 24h kể từ 15h ngày 21/8, các hồ thuỷ điện DakMi 4, A Vương,… đã tích cực triển khai xả nước theo tinh thần ưu tiên nước sinh hoạt phía hạ du.

Tính đến sáng ngày 23/8, độ mặn tại cửa thu nước Nhà máy nước Cầu Đỏ đã có chiều hướng giảm đáng kể (độ mặn tại cửa thu Cầu Đỏ và mực nước sông tại trạm bơm An Trạch vào lúc 13h00 ngày 21/8 là khoảng ĐM = 2.500 mg/l, H = 1,76m; vào lúc 13h ngày 23/8 là khoảng ĐM = 900 mg/l, H = 2,09m).

Theo một thông cáo báo chí do sở TT&TT TP.Đà Nẵng cung cấp, TP.Đà Nẵng đã tính đến trường hợp phải triển khai phương án 1A4 (xây đập ngăn mặn) theo Kịch bản ứng phó đảm bảo cấp nước an toàn năm 2019. Do đó, các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình dự báo thời tiết, dữ liệu thuỷ văn và diễn biến độ mặn để kịp thời triển khai ngay các phương án. 

Chính quyền TP.Đà Nẵng cũng mong muốn người dân thành phố ở những khu vực đang có nước sử dụng nước tiết kiệm, ưu tiên lấy đủ lượng nước dành cho sinh hoạt hàng ngày, hạn chế tích trữ nước để góp phần sớm hồi phục mạng lưới, đảm bảo cấp nước đến cho các khu vực đang còn thiếu nước.

Người dân thành phố chia sẻ, nếu trong thời gian đến nước sẽ có vị mặn hơn mức trước đây. Các đơn vị sản xuất kinh doanh chủ động có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình trạng thiếu nước, độ mặn cao hơn mức trước đây trong thời gian đến; chủ động khai thác tối đa nguồn nước ngầm theo giấy phép đã cấp để phục vụ sản xuất.

Các khách sạn sử dụng tiết kiệm nước và hạn chế lấy nước vào giờ cao điểm (từ 17h - 24h hàng ngày) để ưu tiên phục vụ cho người dân thành phố;

"Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng rất mong người dân, doanh nghiệp sử dụng nước tiết kiệm, cùng chia sẻ khó khăn trong bối cảnh thiếu nước hiện nay", một lãnh đạo sở Xây dựng TP.Đà Nẵng nói.

Chấp nhận mua nước đóng chai với giá cao để sinh hoạt.

Theo ghi nhận và khảo sát thực tế của PV báo Người Đưa Tin, tại các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn nhiều người dân không có nước sử dụng đành vật vờ chờ đợi xe bồn cấp nước. Nhiều hộ khác chẳng chịu nổi đành đi mua bình nước 20l về dùng.

Tại các điểm trên đường Nguyễn Thị Ba, Lê Cảnh Tuân (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), những chủ cơ sở ở đây cho biết, do tình hình thiếu nước sạch nên lượng người mua nước đóng chai loại 5l, 20l tăng vọt. Các cửa hàng bán nước này đều "cháy hàng" do nhu cầu mua rất lớn.

"Hôm nay chạy loanh quanh đến tận cửa hàng tạp hóa thứ 4 tôi mới mua được 3 bình nước 20l về dự trữ. Mua không ra mà giá nó cũng tăng lên một cách trời ơi, đất hỡi. Nước này cũng phải dùng tiết kiệm, chỉ dùng cho ăn uống", ông Lê Tấn, 46 tuổi, trú đường Thế Lữ, quận Sơn Trà cho hay.

Việc người dân mua nước bình tăng cao cũng kéo theo các cơ sở sản xuất sản xuất ồ ạt, thiếu chất lượng. Đây cũng là mối lo đáng lưu tâm mà người dân và ngành quản lý cần xem xét. 

"Công nghệ" sản xuất nước gần 500 bình/ngày tại một cơ sở nhỏ bằng lỗ mũi. Vấn đề an toàn cần được xiết chặt.

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.Đà Nẵng cho biết, đơn vị cũng đang tăng cường kiểm thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn thành phố.

Công tác kiểm tra sẽ tập trung vào điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực tham gia quá trình sản xuất, hồ sơ pháp lý theo đúng quy định, đồng thời tiến hành lấy mẫu nước tại nơi sản xuất và mẫu nước lưu thông trên thị trường để kiểm nghiệm.

Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin!