Sự kiện

Đà Nẵng phong tỏa 7 ngày: Các biện pháp sẽ được siết chặt như thế nào?

Trong 7 ngày, từ 16/8 đến 23/8, chỉ một số người tại Tp. Đà Nẵng được ra ngoài dưới sự kiểm soát gắt gao.

Quản lý từ các Ban điều hành

Tối 15/8, Phó chủ tịch UBND Tp. Đà Nẵng ông Lê Quang Nam đã có yêu cầu tăng cường các biện pháp giám sát thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn thành phố theo phương châm “ai ở đâu thì ở đó”.

Theo đó, Chủ tịch UBND phường, xã thành lập Ban điều hành khu dân cư, khu chung cư, tổ, thôn. Các ban điều hành này lập danh sách, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên của Ban điều hành theo địa bàn được phân công.

Các ban này giám sát kết hợp tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch. Phân công các nhóm nhỏ từ 1 đến 2 người để tổ chức giám sát, tuyên truyền từng tuyến phố, khu phố, khu dân cư, tuyến đường. Công tác tuyên truyền phải đảm bảo được thực hiện thường xuyên, liên tục bằng loa di động, loa phát thanh của thôn, tổ dân phố nhằm cung cấp kịp thời thông tin, tình hình dịch bệnh để nhân dân biết rõ nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân, chia sẻ cùng thành phố trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, ban này giám sát thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, nhắc nhở không để người dân ra khỏi nhà, nơi cư trú, phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Ban này cũng phải nắm đầy đủ, chính xác nhu cầu lương thực, thực phẩm của từng hộ gia đình, từng nơi cư trú để cung ứng kịp thời, nhất là các hộ nghèo, hộ khó khăn, người lao động phổ thông,… không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Tp. Đà Nẵng thực hiện nghiêm phương châm “ai ở đâu thì ở đó” từ ngày 16/8. 

Ngoài ra, Ban điều hành còn thiết lập chốt kiểm soát, tổ chức thiết lập các chốt cứng, đảm bảo mỗi khu dân cư, khu chung cư, tổ, thôn chỉ có 1 hoặc 2 lối ra, vào. Mỗi lối ra, vào thiết lập 1 chốt với lực lượng thường trực từ 2 đến 4 người để kiểm soát. Tại các chốt cứng không có người canh gác in bảng hướng dẫn đường ra để tránh trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, chữa cháy...

UBND các quận, huyện, phường, xã căn cứ tình hình tại địa phương tổ chức lại các chốt phù hợp; giảm các chốt trên tuyến đường chính, tập trung lực lượng tuần tra, kiểm soát cơ động và tăng cường lực lượng cho các Ban điều hành để giám sát chặt chẽ trong khu dân cư, thôn.

Chủ tịch UBND các phường thành lập ít nhất 5 Tổ phản ứng nhanh gồm công an, quân đội làm nòng cốt và các đơn vị khác là thành viên, để hỗ trợ các Ban Điều hành khi có tình huống; tổ chức tuần tra kiểm soát địa bàn, phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm.

Những trường hợp nào được ra ngoài?

Theo ông Nam, các trường hợp đi tiêm chủng vắc-xin phải có phiếu hẹn hoặc sổ tiêm chủng hoặc tin nhắn hẹn tiêm chủng của cơ quan có thẩm quyền kèm chứng minh nhân thân.

Các trường hợp được tổ chức xét nghiệm theo diện hộ gia đình trong và ngoài khu phong tỏa thực hiện theo thông báo của chính quyền địa phương cũng được ra ngoài.

Các trường hợp hoàn thành cách ly được cung cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly của cơ quan có thẩm quyền, người hoàn thành cách ly di chuyển ngay về nơi lưu trú sau khi hoàn thành cách ly, không dừng đỗ trong quá trình di chuyển.

Bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện, được trở về nơi lưu trú phải có giấy ra viện của cơ sở điều trị và kèm theo chứng minh nhân thân.

Những trường hợp cần cấp cứu, can thiệp y tế đột xuất, người dân liên hệ Trung tâm Cấp cứu hoặc đường dây nóng của Trung tâm Y tế các quận, huyện đánh giá tình trạng bệnh, bố trí xe vận chuyển.

Những trường hợp cần tư vấn, khám sức khỏe, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh định kỳ ở ngoài vùng cách ly y tế phải đến Trạm Y tế nơi cư trú để được đánh giá tình trạng và xử lý. Người dân trước khi đến Trạm Y tế phải được xác nhận bởi tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn hoặc bí thư chi bộ bằng giấy viết tay hoặc tin nhắn điện thoại.

Các trường hợp nhân viên y tế đi làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng, cấp cứu, khám, chữa bệnh, vận chuyển người đi điều trị, đi cách ly và các trường hợp đặc biệt liên quan đến y tế khác cần cung cấp giấy xác nhận thực hiện nhiệm vụ do thủ trưởng cơ quan đơn vị công tác ký, đóng dấu khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.

Các biện pháp phòng chống dịch sẽ được siết chặt trong 7 ngày phong toả. 

Hoạt động vận chuyển phân phối lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu, xăng dầu, gas cho người dân, sở Công Thương chịu trách nhiệm tổng hợp danh sách gửi về Công an thành phố để được cấp thẻ nhận diện đối với người và phương tiện tham gia giao thông.

Đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa trong địa bàn thành phố phục vụ hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp rà soát, cung cấp danh sách người và phương tiện vận chuyển, ghi rõ thời gian, cung đường di chuyển cho Công an thành phố để được cấp thẻ nhận diện phương tiện tham gia giao thông.

Đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa theo “luồng xanh” quốc gia đi từ Tp. Đà Nẵng đến các tỉnh, thành khác, trên cơ sở đăng ký của các đơn vị vận chuyển, sở Giao thông vận tải xét cấp giấy nhận diện phương tiện có mã QRcode để tham gia giao thông.

10% cán bộ, công chức đi làm 3 tại chỗ

Chính quyền Tp. Đà Nẵng yêu cầu, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra phương án bố trí tối đa không quá 30% số người làm việc và các điều kiện đảm bảo “3 tại chỗ” để xem xét, quyết định cho phép hoạt động và chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp.

Đối với hoạt động tại các cơ quan chính quyền, cử lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trực và làm việc tại trụ sở để tham gia nhiệm vụ công tác phòng chống dịch cũng như các nhiệm vụ cấp thiết khác; tối đa 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức; phải đảm bảo “3 tại chỗ”. Cán bộ, công chức, viên chức còn lại làm việc tại nhà thông qua hệ thống mạng.