Dân sinh

Cách “gỡ vướng” của Đà Nẵng để thực phẩm dễ dàng đến tay người dân

Người dân Tp. Đà Nẵng đồng thuận chủ trương gia hạn thời gian giãn cách nhưng cũng nhiều băn khoăn trong việc mua lương thực, thực phẩm.

Nhiều người “rên” không đặt hàng được

Tp. Đà Nẵng đang thực hiện nguyên tắc “ai ở đâu thì ở yên ở đó” và vừa có dự kiến sẽ thực hiện tiếp trong 10 ngày tới từ 28/6 đến 5/9.

Việc giãn cách bắt đầu thực hiện từ 16/8 cho đến nay. Tp. Đà Nẵng đã có nhiều phương thức hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân. Tuy nhiên, nhiều gia đình đã cạn kiệt nhu yếu phẩm tích trữ, đồng thời lo lắng về lương thực, thực phẩm trong những ngày tới.

Chị Nguyễn Thị Như Nguyệt, ngụ quận Hải Châu, cho hay: “Nhu yếu phẩm trong nhà sắp cạn, lại thực hiện giãn cách thêm 10 ngày nên phải đặt hàng. Gia đình có F0 nên tổ trưởng tổ dân phố đã đi cách ly, không thể nhờ đi chợ hộ.

Tôi vào các hệ thống đặt hàng trực tuyến của các siêu thị thì không đặt được. Tôi tiếp tục gọi điện đến các siêu thị, cửa hàng, có nơi không bắt máy, có nơi lại thông báo đã quá tải đơn hàng".

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Quỳnh, ngụ quận Sơn Trà chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 người, lương thực, thực phẩm tích trữ đến nay sắp hết. Phía tổ dân phố hỗ trợ đi chợ hộ. Tuy nhiên, đơn hàng đã đặt nhiều ngày nhưng chưa được giải quyết.

Tôi liên hệ đến các siêu thị thì họ bảo phải đặt ít nhất từ 3 đến 5 triệu mới lên đơn và ship. Thậm chí, có siêu thị thông báo đơn hàng từ 5 triệu mới ship nhưng cũng không nhận đơn vì quá tải".

Rau, củ, quả các tổ dân phố hỗ trợ đến tay người dân. 

Bên cạnh đó, chị Dương Thị Cẩm Hoa, ngụ quận Sơn Trà, cho biết: “Gia đình tôi nhận được một số rau, củ do tổ dân phố hỗ trợ. Tuy nhiên, nhà có con nhỏ, sữa và tã cho cháu sắp hết. Tôi liên hệ cửa hàng sữa thường mua thì được trả lời không có shipper.

Trong khi đó, tôi liên hệ đến nhiều siêu thị thì đều có cùng câu trả lời đơn hàng đã quá tải. Hiện, tôi vẫn đang cố liên hệ riêng với các shipper, hy vọng họ có thể hỗ trợ”.

Trên các trang mạng cá nhân của người dân Tp. Đà Nẵng, việc đặt hàng khó, hotline các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng cung ứng lương thực thực phẩm không có nhân viên nghe máy, hệ thống đặt hàng trực tuyến quá tải, không hoạt động được rất nhiều người dân phản ánh.

Theo ghi nhận, đa số người dân Tp. Đà Nẵng đồng thuận với chủ trương gia hạn thời gian giãn cách để tách F0 ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, người dân mong muốn, chính quyền có phương án để họ tiếp cận với các mặt hàng nhu yếu phẩm.

Gỡ vướng để thịt, cá, rau dễ dàng đến tay dân

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc sở Công Thương Tp. Đà Nẵng cho biết, nhằm giải quyết vấn đề nhu yếu phẩm bị chậm khi người dân đặt mua ở các siêu thị, cửa hàng, sắp tới, các đơn vị này sẽ được nâng số lao động từ 30% đến 60%.

Tất cả các lao động này được ưu tiên tiêm vắc xin, xét nghiệm 3 ngày một lần. Công an cấp giấy đi đường, áp dụng việc thực hiện hai điểm đến một cung đường.

Ngoài ra, sở Công Thương cũng đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng cung ứng lương thực thực phẩm chủ động ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng shipper và chuyển danh sách về cho sở tổng hợp. Từ đó, ngành y tế xét nghiệm, tiêm vắc xin để công an cung cấp giấy đi đường.

Đại diện sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Đà Nẵng cũng cho biết, đang lên kế hoạch mở lại cảng cá, chợ đầu mối thuỷ sản Thọ Quang.

Theo đó, người vào, ra hoạt động tại cảng cá, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang phải đáp ứng, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực, bằng test nhanh kháng nguyên là 24 giờ, bằng phương pháp PCR là 72 giờ.

Họ phải có thẻ ra vào Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang do Ban Quản lý cấp, không giải quyết người không có thẻ, người sử dụng thẻ đi chợ do UBND các phường, xã cấp vào cổng.

Người ra vào có cam kết về phòng, chống dịch Covid-19 với Ban Quản lý, đồng thời thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế và quy định 5K “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế”; đo thân nhiệt theo quy trình thực hiện 5K trước khi vào cổng và khi hoạt động tại chợ…

Việc đi chợ hộ tại Tp. Đà Nẵng đang quá tải. 

Trong khi đó, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND Tp. Đà Nẵng thông tin, riêng vấn đề thịt tươi sống, ngày 25/8, lò mổ Đà Sơn, lò mổ lớn nhất Tp. Đà Nẵng phải đóng cửa vì Covid-19 vừa được mở trở lại. 30% lao động làm việc với phương châm 3 tại chỗ. Họ được xét nghiệm SARS-CoV-2 và tiêm vắc xin. Do đó, trong thời gian tới, số lượng thịt tươi sẽ dồi dào hơn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.

Tp. Đà Nẵng đang lên kế hoạch mở lại chợ truyền thống khi điều kiện thích hợp, dịch được kiểm soát. Trong đó, hai chợ lớn được ưu tiên mở lại là chợ Cồn và chợ Đầu mối Hoà Cường. Tại mỗi quận, huyện sẽ mở từ 2 đến 3 chợ.