Tiêu dùng & Dư luận

Đà Nẵng: Giải pháp tăng Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.Đà Nẵng nhìn thẳng những nguyên nhân khiến CPI của Tp.Đà Nẵng rớt hạng và đưa ra giải pháp.

Nhiều nguyên nhân khiến CPI rớt hạng

Theo Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, Tp.Đà Nẵng xếp hạng thứ 9 trên tổng số 63 tỉnh thành, rớt 5 bậc so với năm 2021.

Vấn đề này được người dân Tp.Đà Nẵng khá quan tâm. Thậm chí, trong các buổi tiếp xúc cử tri, người dân cũng nhiều lần đặt câu hỏi tại sao CPI của Tp.Đà Nẵng rớt hạng

Mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.Đà Nẵng đã có câu trả lời chất vấn vấn đề này.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay, theo Báo cáo phân tích, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tp.Đà Nẵng năm 2022, giảm thứ hạng do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, tiếp cận đất đai vẫn là điểm nghẽn lớn, đòi hỏi nỗ lực cải cách quyết liệt hơn trong thời gian tới. Doanh nghiệp cho rằng các thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất rất mất thời gian; thông tin, dữ liệu về đất đai không được cung cấp thuận lợi, nhanh chóng…

Chỉ số Tiếp cận đất đai Tp.Đà Nẵng giảm 0,9 điểm, giảm 39 bậc từ vị trí thứ 10 xuống vị trí thứ 49.

Thứ hai, các doanh nghiệp tiếp cận thị trường khó khăn nguyên nhân chính liên quan đến các doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì cần phải đáp ứng đầy đủ mới có thể gia nhập thị trường và phụ thuộc phần lớn vào quy định các thủ tục đề nghị cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn trong quy trình giải quyết thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện, việc hướng dẫn thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện, thời gian thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện kéo dài… Chỉ số gia nhập thị trường có điểm số chỉ giảm 0,21 điểm, thứ hạng đã giảm 20 bậc.

Thứ ba, tình hình tuyển dụng lao động của doanh nghiệp gặp khó khăn. Việc tuyển dụng cán bộ quản lý, giám sát tại thành phố giảm mạnh và chi phí tuyển dụng thì lại tăng.

Một phần khác, lao động trở về địa phương sau dịch Covid không trở lại thành phố do đó chỉ tiêu lao động tại địa phương đáp ứng hoàntoàn hay phần lớn nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp giảm nhẹ. Chỉ số Chất lượng đào tạo lao động giảm 0,35 điểm.

Thứ tư, mặc dù có sự cải thiện về Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự qua các năm nhưng vẫn còn thấp trong tương quan với các tỉnh thành khác.

Có 2 chỉ tiêu có sự sụt giảm đáng quan ngại đó là tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý cho rằng “Phán quyết của toà án là công bằng” và chỉ tiêu “Hệ thống pháp luật có cơ chế giúp doanh nghiệp tố cáo hành vi sai phạm của cán bộ nhà nước”.

Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp bị trộm cắp hoặc đột nhập vào năm vừa qua đã tăng nhẹ. Chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự tăng điểm nhưng vẫn xuống hạng, giảm 5 bậc.

Sau cùng, Các chỉ số có điểm số và thứ hạng tích cực. Chỉ số Tính minh bạch tăng 0,42 điểm, tăng 12 bậc. Chỉ số Chi phí thời gian để thực hiện các quy định nhà nước tăng 0,02 điểm, tăng 6 bậc. Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng tăng 0,5 điểm, tăng 14 bậc. Chỉ số Chi phí không chính thức giảm 0,08 điểm, tăng 1 bậc.

Tuy nhiên, các chỉ tiêu thành phần vẫn có một số quan ngại như: tính minh bạch trong đấu thầu, thông tin trên website của tỉnh về các ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, thủ tục hành chính, công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật của Nhà nước…

Giải pháp cải thiện thế nào?

Theo bà Hương, Tp.Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thủ trưởng tất cả các cơ quan, đơn vị cần xác định cải cách hành chính gắn với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo Nghị quyết số 02/NQCP là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động điều hành của đơn vị.

Các cơ quan chuyên ngành thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Các cơ quan, địa phương tập trung phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để khẩn trương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến kết luận thanh tra; vướng mắc liên quan đến quy hoạch, thủ tục đầu tư.

Tăng cường tính minh bạch về tiếp cận thông tin. Các đơn vị liên quan cần phải cụ thể hóa các thông tin, cần trình bày thông tin một các thu hút, rõ ràng, đặc biệt các thông tin về quy hoạch, kế hoạch, các chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư của thành phố.

Trung tâm hành chính Tp.Đà Nẵng. 

Các cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục rà soát, thực hiện có hiệu quả đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 còn hiệu lực, đặc biệt là nhóm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thường niên đã được HĐND, UBND Tp.Đà Nẵng thông qua.

"Ngoài ra, ngày 28/7, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 3946/UBND-VKTXH về việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI.

Theo đó, UBND thành phố đã giao các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan được giao chủ trì thựchiện nhiệm vụ cải thiện điểm số đối với các chỉ số, chỉ tiêu thành phần, có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp được phân công…", bà Hương thông tin.