Dân sinh

Đà Nẵng: Đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân trong bão

Cơn bão số 5 được dự báo sẽ đổ bộ vào miền Trung nên Tp. Đà Nẵng sẽ hoàn thành công tác ứng phó bão trong ngày hôm nay.

Ngư dân trước khi lên bờ phải được test SARS-CoV-2

Ngày 11/9, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Tp. Đà Nẵng đã trực tiếp đến nhiều nơi kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 5.

Ông yêu cầu các ngành chức năng phải đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình hỗ trợ ngư dân tránh trú bão.

Ông cũng cho biết, đã mở các cầu để đón tàu thuyền vào tránh trú bão tại âu thuyền Thọ Quang. Ông lưu ý đến việc tổ chức test SARS-CoV-2 đối với các ngư dân trên tàu.

Ông Quảng trực tiếp đến nhiều nơi kiểm tra công tác phòng chống bão số 5.

Người dân được ở trên tàu trước khi bão đổ bộ để bảo quản tài sản. Cơ quan chức năng đảm bảo các điều kiện cần thiết như nước, thực phẩm cho người dân.

Trong trường hợp khẩn cấp phải di dời ngư dân lên bờ. Tuy nhiên, trước khi họ được di tản phải thực hiện test nhanh SARS-CoV-2.

“Các trường hợp âm tính sẽ được lên bờ. Đối với những người dương tính, phải có phương án riêng để xử lý”, ông Quảng nói.

Trong khi đó, đại diện cảng Tiên Sa cho biết, khi nhận được thông tin cơn bão số 5 đổ bộ vào miền Trung, từ 6h sáng ngày 11/9, đơn vị đã đóng cửa không cho người, phương tiện ra vào cảng.

Ngư dân chằng néo tài sản. 

Hàng hoá trong container trên các kho bãi được sắp xếp theo khối và neo chằng cẩn thận. Các cần cẩu cũng được hạ độ cao và neo cố định để đảm bảo an toàn.

Phải đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân

Trong khi đó, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND Tp. Đà Nẵng, vừa có yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán bảo đảm an toàn cho nhân dân, nhất là tại các khu vực dân cư đang sống ở những vùng trực diện với bão, nhà không kiên cố, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; tổ chức neo, đậu lồng bè và quản lý nuôi trồng thủy sản an toàn, có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại các khu nuôi trồng thủy sản.

Tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng; kiên quyết nghiêm cấm người dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại, đánh bắt cá trên sông, vùng trũng thấp và ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn.

Người dân giằng néo mái nhà trước cơn bão. 

Tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối khi có nước chảy xiết; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”.

UBND các quận ven biển thông báo, yêu cầu các chủ phương tiện neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định, tổ chức kéo tàu thuyền nhỏ, thuyền thúng lên bờ.

Ngoài ra, UBND các quận, huyện chỉ đạo các lực lượng của địa phương phối hợp các lực lượng quân đội, công an hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, đặc biệt là các hộ có hoàn cảnh khó khăn, các hộ dân đang phải điều trị và cách ly tập trung; tạo điều kiện cho người dân triển khai công tác chằng chống nhà cửa; sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn để tổ chức phòng chống, ứng phó và tìm kiếm cứu nạn khi thiên tai xảy ra; phối hợp các sở, ngành liên quan đánh giá khả năng chống chịu với thiên tai để có kế hoạch bảo đảm an toàn tại các địa điểm sơ tán và trú tránh.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải phối hợp Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang và UBND các địa phương bố trí lực lượng thường trực phòng cháy chữa cháy khi neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang không để cháy nổ; bảo đảm an toàn giao thông.

Công an, bộ đội hỗ trợ dân phòng chống bão. 

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố, chủ tịch UBND các quận, huyện, các sở, ngành kiểm tra, rà soát, đánh giá các khu vực nguy hiểm, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, nhất là những khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đồi núi, lũ quét, ngập sâu.

“Đơn vị này cần kiên quyết di dời, sơ tán ngay người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước”, ông Chinh nhấn mạnh.

Theo ghi nhận, sau nửa ngày mưa trắng trời, tại TP. Đà Nẵng, thỉnh thoảng mưa bắt đầu ngớt, gió lặng. Nhiều khu vực xảy ra tình trạng ngập cục bộ do mưa lớn.

Tại nhiều tuyến đường lớn, công nhân công ty Thoát nước và xử lý nước thải Tp. Đà Nẵng đã được điều động khơi thông cống rãnh, dọn dẹp rác.