Sự kiện

Đà Nẵng chi 85 tỷ đồng nạo vét sao vẫn ngập úng nặng?

Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, nhận định thành phố này chi 85 tỷ đồng nạo vét kênh, hồ, mương, cống… nhưng tại sao vẫn ngập úng? Liệu việc nạo vét có thực hay không?

Sáng 18/12, trong kỳ họp thứ 9 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiều đại biểu thẳng thắn xoáy sâu vào tình trạng TP. Đà Nẵng bị ngập úng lịch sử sau cơn mưa vào 2 ngày 9 và 10/12. Đây cũng chính là tình trạng “nóng” được người dân quan tâm.

Ông Nguyễn Thành Tiến, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho rằng, những năm qua, thành phố đã tập trung nguồn lực lớn cho hệ thống thoát nước, nhiều tuyến cống thoát nước chủ lực đã hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay, hệ thống thoát nước thành phố đã lạc hậu, chưa đáp ứng được thời tiết cực đoan.

Tình trạng ngập nặng ngay trung tâm TP Đà Nẵng vừa qua khiến người dân "sốc".

Nguyên nhân gây ngập trong thời gian qua là do tính toán thoát nước chưa dự báo hết thời tiết cực đoan, chưa dự báo được việc phát triển đô thị. Hồ điều tiết giảm từ 42 xuống còn 30. Công tác duy tu, nạo vét không được thực hiện tốt trong thời gian qua, gây tắc cục bộ.

Trong khi đó, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường đồng ý kiến. Theo ông Hùng, trong 2 ngày 9 và 10/12 vừa qua, tình trạng mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng ngập úng cục bộ, ảnh hưởng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Điều này gây tác động đến đời sống cộng đồng, gây hư hại tài sản của người dân.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng lại cho rằng: “Cần nhìn nhận những điều còn tồn tại, vướng mắc để gây ra việc ngập úng trong thời gian vừa qua”. Theo ông Trung, ngay khi ngập úng xảy ra, ông trực tiếp khảo sát, nhận thấy, nhiều nơi có máy bơm thì không có nước và những nơi ngập úng lại không có máy bơm.

Ông Trung đưa ra ví dụ, ở khu vực cầu Thuận Phước, có 4 máy bơm được lắp đặt nhưng khu vực này lại khá cao, không bị ngập úng. Trong khi đó, ở các khu vực như đường Trương Chí Cương hay phường Thanh Bình, quận Hải Châu, nước ngập rất nặng, nhưng không có bất kỳ máy bơm nào. “Điều này cho thấy, việc đầu tư đồng bộ chưa đảm bảo”, vị này khẳng định.

Đồng thời, ông Trung thẳng thắn nhìn nhận, trên địa bàn có tình trạng “mùa nắng làm thủ tục, mùa mưa thi công công trình”. Đây là điều khó có thể chấp nhận. Bởi, mùa mưa, nếu đường sá bị đào xới thì việc nước mưa xuống, ngập ứ là điều khó tránh khỏi và tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân.

Ngoài ra, ông Trung cho rằng, năm 2018, UBND TP Đà Nẵng đầu tư 85 tỷ đồng đối với việc nạo vét kênh, mương, cống… Tuy nhiên, tình trạng ngập úng vẫn xảy ra là điều đáng bàn. “Liệu có nạo vét không? Có nạo vét thật không? UBND TP cần làm rõ điều này”, ông Trung nói.

Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng.

Ngoài ra, theo ông nhận thấy, trên địa bàn thành phố có tình trạng người dân dùng bao ni-lông bít hố ga khi có mùi hôi thối bốc lên. Điều này cũng là lý do gây ngập. “Mưa xuống, hố ga bị bít thì nước không thể thoát được là điều dễ hiểu”, ông nhận định.

Ngoài ra, ông Trung thừa nhận: “TP Đà Nẵng đang phát triển và phát triển nhanh nên còn nhiều bất cập. Thành phố cần xem xét, phân kì đầu tư cho đồng bộ, giải quyết chống ngập. Điều này là quan trọng. Về ngân sách, phải chăng cần bố trí vốn phải cấp các hệ thống cho đồng bộ? Chứ không thể để tình trạng mưa xuống là ngập”.