Dân sinh

Đà Nẵng: Bão chưa đến, phố đã thành sông, dân "bì bõm" trong biển nước

Mưa lớn đã gây ra nhiều điểm ngập úng cục bộ tại Đà Nẵng. Cá biệt, một số con đường bị sạt lở, nước lênh láng tràn vào nhà dân.

"Bì bõm" biển nước

Đến 11h30 ngày 11/9, mưa vẫn như trút nước trên toàn địa bàn TP.Đà Nẵng. Đài Khí tượng và Thủy văn Trung Trung Bộ liên tục phát đi bản tin cảnh báo bão số 5 và mưa lớn, mưa rất lớn kèm dông.

Theo dự báo của cơ quan này, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5 gây ra một đợt mưa lớn diện rộng trên địa bàn. Tổng lượng mưa cụ thể ở các quận, huyện phổ biến trên 300mm, có nơi trên 450mm. Như quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn lượng mưa hổ biến 200-400mm, có nơi trên 450mm.

Mưa như trút nước xuống toàn thành phố Đà Nẵng.

Ghi nhận thực tế của Người Đưa Tin, rạng sáng cùng ngày TP.Đà Nẵng xuất hiện gió rít liên hồi thì đến trưa tình trạng này đã chấm dứt. Trời rất ít gió nhưng mưa thì liên tục gia tăng.

Mưa lớn ồ ạt đã gây nên tình trạng ngập úng cục bộ ở một số điểm, có điểm ngập nặng, nước tràn sâu vào nhà dân. Cũng vì đây là trận mưa bão đầu mùa nên chất bẩn từ nhiều nơi theo dòng nước tràn về khiến nước đục ngầu.

Lúc 9h tại cổng khu công nghiệp Hòa Khánh, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu lượng nước mưa từ nhiều nơi ùn về đã tạo nên điểm ngập rộng từ 1.000 -2.000m2, độ sâu có nơi đến 30cm. Nhiều phương tiện giao thông buộc phải quay đầu, xe máy thì cố gắng leo lên vỉa hè để băng qua.

Tại đường Nam Cao nối dài, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu cũng xảy ra tình trạng tương tự. Dòng nước chảy xiết, ngập cục bộ đường khiến một người đàn ông đạp xe bị loạng choạng, nhiều lần bị ngã.

Mưa lớn gây ra những cảnh tượng nguy hiểm: Đường sá sạt lở, lênh láng nước.

Tại đường Nguyễn Tất Thành, dù rất ít gió nhưng người dân đi xe máy gặp nhiều khó khăn khi điều khiển phương tiện do mưa. Lượng mưa lớn liên tục tạt thẳng vào mặt người đi đường. Phía giáp biển đường Nguyễn Tất Thành cũng bắt đầu xuất hiện sóng lớn dần.

Nặng nề hơn, tại đường Đoàn Phú Tứ, mưa lớn đã tràn vào nhà cửa. Hàng chục hộ dân hì hục mang đủ xô chậu tát nước ngược trở ra, có người dùng chổi ngăn vật chất bẩn theo dòng nước vào nhà. Tuy nhiên, đại đa số người dân bất lực đứng nhìn.

"Mưa lớn cả con đường lênh láng nước như sông. Nhiều đoạn sạt lở tạo hố sâu, nước xiết rất nguy hiểm. Nước bẩn đục ngầu tràn cả vào nhà dân. Dịch dã chưa xong giờ chứng kiến cảnh này khổ hết sức", ông Quang - một người dân sống trên đường Phạm Phú Tứ cho biết và bày tỏ mong muốn sau bão chính quyền địa phương quan tâm sửa chữa lại con đường.

Nhiều nơi nước tràn vào nhà dân.

Linh hoạt chống bão

Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, sau chỉ đạo khẩn của UBND TP.Đà Nẵng, chính quyền các cấp đã triển khai công tác di dân, khảo sát các điểm nguy hiểm đảm bảo an toàn khi thiên tai đổ bộ.

Ngay từ sáng sớm, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang Nguyễn Duy Phương cùng các thành viên trong ban phòng chống thiên tai xã đã gấp rút có mặt ở khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đèo Đại La để nắm bắt tình hình thực tế.

Ngay sau đó, đoàn tiếp tục có mặt ở khu vực ruộng lúa người dân ở các thôn để hỗ trợ, đôn đốc bà con thu hoạch hoa màu, giảm thiểu thiệt hại khi cơn bão cận kề.

Tại đường Phạm Phú Tứ, đường Nam Cao nối dài, nước tràn vào nhà dân. Điều duy nhất họ có thể làm là dùng chổi quét hạn chế vật chất bẩn theo dòng nước vào nhà.

Theo lãnh đạo địa phương này, phòng chống bão giữa lúc dịch bệnh khó khăn hơn rất nhiều. Đơn cử như trước đây việc di tản dân được tổ chức tập trung đến các khu vực kiên cố, trường học. Nhưng nay phải tính toán kỹ càng hơn, phân chia người dân ra nhiều điểm để sơ tán nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch. Thế là từng lãnh đạo UBND xã Hòa Sơn phải liên tục điện đàm nhờ phối hợp thêm của các tổ chức có cơ sở kiên cố để đảm bảo đủ cho người dân an tâm tránh bão.

Cũng một phương pháp linh hoạt khác, nhiều đơn vị phòng chống dịch Covid-19 địa bàn TP.Đà Nẵng trưng dụng xe container, xe bus để làm nơi trú cho lực lượng làm nhiệm vụ. Điều này vừa đảm công tác phòng dịch không gián đoạn vừa an toàn khi bão đến.

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu các quận huyện, các cơ quan chức năng túc trực 24/24, chủ động lực lượng để theo dõi diễn biến bão, mưa lũ để tham gia ứng phó thiên tai.