Tài chính - Ngân hàng

Đã hoàn hơn 98.000 tỷ đồng tiền thuế VAT trong 9 tháng đầu năm

Đến cuối tháng 9/2023, cơ quan thuế đã ban hành 12.721 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền thuế hoàn là 98.606 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, tính đến cuối tháng 9/2023, cơ quan thuế đã ban hành 12.721 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền thuế hoàn là 98.606 tỷ đồng, bằng 53% so với dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2023 đã được Quốc hội thông qua và bằng 93% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Mai Xuân Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhấn mạnh, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các cục thuế địa phương rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng.

Theo đó, đối với các hồ sơ đủ điều kiện phải thực hiện hoàn ngay, đối với hồ sơ không đủ điều kiện phải thông báo ngay cho doanh nghiệp được biết và phải nêu rõ lý do không giải quyết hoàn.

Những tháng cuối năm 2023, Tổng cục Thuế sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, khẩn trương xây dựng và ban hành bộ tiêu chí rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế và nâng cấp ứng dụng để phân loại tự động đối với hồ sơ hoàn thuế thuộc diện kiểm trước đảm bảo thời hạn triển khai.

Ngoài ra, ngành Thuế tiếp tục tăng cường cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, duy trì dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, đảm bảo hệ thống công nghệ thông suốt 24/7 để hỗ trợ công tác hoàn thuế điện tử mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế.

Quản lý rủi ro trong công tác hoàn thuế VAT áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Mới đây, Tổng cục Thuế ban Quyết định số 1388 về việc áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng và lựa chọn người nộp thuế để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế.

Quyết định này quy định thực hiện việc áp dụng quản lý rủi ro trong công tác hoàn thuế giá trị gia tăng để phân tích, đánh giá, xếp hạng người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức có hồ sơ đề nghị hoàn giá trị gia tăng.

Việc quản lý rủi ro trong công tác hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ thực hiện áp dụng đối với hồ sơ hoàn thuế dự án đầu tư và hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Cùng với đó, kết quả đánh giá, xếp hạng rủi ro đối với người nộp thuế có hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng là căn cứ để quyết định kiểm tra trước hoàn thuế sau đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng của người nộp thuế được xếp hạng rủi ro cao. Đây là cơ sở để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế đối với hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau theo mức độ xếp hạng rủi ro của người nộp thuế.