Thế giới

Đã đến lúc người mua sẽ phải tranh giành từng thùng dầu với nhau?

Giá dầu đã vượt mốc 130 USD/thùng và có khả năng còn tăng cao hơn nữa nếu Mỹ và các đồng minh cấm vận dầu của Nga.

Giá dầu đã tăng vọt trên 130 USD/thùng vào đầu giờ giao dịch hôm 7/3, cao nhất kể từ năm 2008, sau khi Mỹ cho biết họ đang xem xét cấm nhập khẩu dầu thô của Nga và đang thảo luận về động thái này với các đồng minh châu Âu, trong nỗ lực đóng băng nhà xuất khẩu dầu thô thứ hai thế giới khỏi thị trường toàn cầu và cô lập Moscow về mặt kinh tế vì cuộc tấn công quân sự ở Ukraine.

Giá dầu Brent tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng cho 2/3 lượng dầu thế giới, đạt mức 139,13 USD/thùng và giá dầu WTI, thước đo theo dõi dầu thô của Mỹ, đã tăng lên 130,50 USD/thùng trong phiên giao dịch đầu ngày 7/3.

Giá của cả 2 loại dầu tiêu chuẩn chính đều giảm vào lúc 7h44 theo giờ UAE, nhưng vẫn ở mức cao, với giá dầu Brent tăng 8,73% và ở mức 128,4 USD/thùng và giá dầu WTI tăng 7,42% và ở mức 124,3 USD/thùng.

Giá dầu Brent đã đạt mức cao kỷ lục là 147,02 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI ở mức 146,90 USD/thùng vào ngày 11/7/2008 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

"Chúng tôi hiện đang tích cực thảo luận với các đối tác châu Âu về việc cấm nhập khẩu dầu của Nga vào các nước, đồng thời duy trì nguồn cung dầu ổn định trên toàn cầu", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Meet the Press” của NBC News.

Biểu đồ giá dầu thô WTI lúc 14h20 ngày 7/3/2022, do trang Trading Economics theo dõi. Nguồn: Trading Economics

Nguy cơ khủng hoảng

Thế giới có thể đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ như hồi những năm 1970, theo ông Daniel Yergin, Phó Chủ tịch IHS Markit, đồng thời là một tác giả và nhà nghiên cứu thị trường năng lượng nổi tiếng.

“Đây sẽ là một sự gián đoạn thực sự lớn về mặt hậu cần và người mua sẽ phải tranh giành từng thùng dầu với nhau”, ông Yergin cảnh báo hồi tuần trước.

“Đây là một cuộc khủng hoảng nguồn cung, một cuộc khủng hoảng về mặt hậu cần, một cuộc khủng hoảng về thanh toán. Và nó có thể xảy ra trên quy mô của những năm 1970”.

Hôm 5/3, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo, xung đột Nga - Ukraine và kéo theo đó là các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow, sẽ có "tác động nghiêm trọng" đến nền kinh tế toàn cầu.

Cuộc xung đột không ngừng đã đẩy giá năng lượng và hàng hóa lên cao, tăng thêm áp lực lạm phát do gián đoạn chuỗi cung ứng và chứng kiến một làn sóng hơn một triệu người tị nạn từ Ukraine sang các nước láng giềng.

"Trong khi tình hình vẫn đầy biến động và triển vọng cực kỳ bất định, thì hậu quả kinh tế là rất nghiêm trọng", bà Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành IMF, cho biết.

"Các biện pháp trừng phạt đối với Nga cũng sẽ có tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính, với tác động lan tỏa đáng kể sang các nước khác".

Đây sẽ là một sự gián đoạn thực sự lớn về mặt hậu cần và người mua sẽ phải tranh giành từng thùng dầu với nhau, ông Daniel Yergin, Phó Chủ tịch IHS Markit, cảnh báo. Ảnh: Shutterstock

Năm 2020, mỗi ngày Nga sản xuất khoảng 10,2 triệu thùng dầu thô và khí đốt tự nhiên ngưng tụ, đứng thứ hai sau Mỹ, và đứng ngay trước Ả Rập Xê-út, theo Đánh giá Thống kê Năng lượng Thế giới năm 2021 của BP.

Nga cũng là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai trên thế giới. Ngoài ra, nước này cũng là nhà sản xuất kim loại tầm cỡ, bao gồm nhôm, bạch kim, đồng và paladi. Giá của các kim loại này đã tăng do khủng hoảng.

Hậu quả nghiêm trọng

Giá dầu cao trong nhiều năm đã làm tăng chi phí vận tải, làm trầm trọng thêm mức lạm phát vốn đã cao đang đẩy giá hàng hóa cơ bản lên cao và cản trở đà tăng trưởng dự kiến của nền kinh tế toàn cầu vừa mới phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Xung đột ở Ukraine có thể làm giảm 1% GDP toàn cầu vào năm 2023, tương đương khoảng 1 nghìn tỷ USD, và cộng thêm 3% vào lạm phát toàn cầu vào năm 2022, và khoảng 2 điểm phần trăm vào năm 2023, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia của Vương quốc Anh cho biết.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga nhằm vào Ngân hàng Trung ương của nước này, ngắt kết nối các ngân hàng chủ chốt khỏi mạng lưới thanh toán SWIFT toàn cầu, và cấm nước này kinh doanh bằng đồng USD, Euro, Yên và Bảng Anh. Các biện pháp trừng phạt chống lại Nga cũng bao gồm việc đóng băng tài sản của Moscow và từ chối Nga tiếp cận các thị trường tài chính phương Tây, và hạn chế khả năng huy động vốn của nước này.

Sàn giao dịch chứng khoán Moscow đã đóng cửa cả tuần trước sau khi giảm hơn 45% trước khi đóng cửa ở mức thấp hơn 33% so với tuần cuối cùng của tháng 2, khiến đây trở thành đợt lao dốc tồi tệ thứ năm trong lịch sử thị trường chứng khoán.

Đồng rúp Nga được giao dịch ở mức 112,5 rúp cho 1 USD vào ngày 7/3, vượt xa mốc 75 rúp cho 1 USD trước cuộc khủng hoảng này. Tính đến nay, giá trị của đồng rúp đã giảm khoảng 50%.

Minh Đức (Theo The National News)