Giáo dục

Đa dạng phương pháp dạy Lịch sử trong Chương trình GDPT 2018

Với việc chủ động sử dụng đa dạng các mô hình giảng dạy, thầy cô đã giúp học sinh chủ động học tập, tìm tòi kiến thức môn Lịch sử.

Sáng nay (13/10), Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì và Phòng GD&ĐT quận Ba Đình đã phối hợp triển khai phong trào “Nhà trường cùng chung chia tay phát triển – Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm”.

Chương trình nhằm giúp các thầy cô giao lưu, học hỏi nâng cao chất lượng giảng dạy các môn Ngữ văn, Lịch sử, Hoá học.

Nằm trong chuỗi hoạt động chuyên môn của chương trình, bài học “Ấn Độ Cổ đại” của học sinh lớp 6 đã được diễn ra tại Trường THCS Mạc Đĩnh Chi.

Chia sẻ về tiết dạy của mình, cô Phạm Thanh Hà – Giáo viên Lịch sử Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, Ba Đình cho biết: “Thông qua tiết dạy giúp cho tôi có thêm kinh nghiệm chuyên môn, việc trao đổi, đánh giá giữa các thầy cô giáo là hết sức quan trọng”.

Cô Thanh Hà cũng chia sẻ các phương pháp được áp dụng tiết dạy đều được triển khai thường xuyên trong mỗi giờ học như phương pháp 3:2:1, cách khai thác tối đa các tài liệu hiện có để phục vụ bài giảng, cách thức hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài học trước khi lên lớp.

Thông qua tiết học đã cung cấp kiến thức cho học sinh về vị trí địa lý, đặc điểm nguồn gốc của Ấn Độ, giúp các em phát huy được khả năng trình bày, nêu quan điểm và mở rộng kiến thức bài học.

Học sinh tự tin thuyết trình trước thầy cô và bạn bè.

Sau tiết chuyên đề, các cán bộ, giáo viên dự giờ đã trao đổi về tiết dạy, các giáo viên đã học hỏi được những phương pháp giảng dạy mới, bổ sung những nội dung có thể khai thác trong một giờ giảng Lịch sử, nắm bắt nội dung, cách thực hiện và đặc trưng của môn Lịch sử trong Chương trình GDPT 2018.

Tham gia trao đổi và đánh giá về tiết dạy, cô Thanh Hải – Giáo viên Lịch sử Trường THCS Yên Sơn, Ba Vì bày tỏ: “Tiết dạy phát huy tối đa năng lực của học sinh, sử dụng các kiến thức đặc thù của môn Lịch sử, Địa lý. Giáo viên thể hiện sự tự nhiên, hoàn thành mục tiêu của tiết học. Cùng với đó sử dụng các tình huống, phương pháp đóng vai để cung cấp kiến thức cho học sinh”.

Tuy nhiên, theo thầy Bùi Ngọc Đạo – Giáo viên Lịch sử Trường THCS Hoàng Hoa Thám, Ba Đình cho rằng cần có sự thể hiện kiến thức liên môn của Địa lý và Lịch sử, cần thêm những phương pháp dẫn dắt bài học để tạo sự chú ý cho học sinh.

Bà Đặng Thị Kim Tuyến – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì.

Đánh giá về buổi dạy, bà Đặng Thị Kim Tuyến – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì cho biết: “Thông qua các buổi chuyên đề giúp các thầy cô học hỏi, chia sẻ chuyên môn trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Qua phân tích chuyên môn từng hoạt động nghiệp vụ sẽ là những gợi ý phương pháp giảng dạy cho giáo viên, về phía huyện Ba Vì sẽ tiếp cận được nhưng kỹ năng dạy học mới”.

Cũng tại buổi trao đổi, ông Cấn Việt Thắng - Hiệu trưởng Trường THCS Mạc Đĩnh Chi cho biết: “Chương trình nhằm chia sẻ, gợi mở để các thầy cô giáo lựa chọn các phương pháp áp dụng vào trong tiết dạy của mình. Dù bằng cách nào những thầy cô vẫn cần làm nổi bật mục tiêu bài giảng, đạt được yêu cầu phát huy năng lực của học sinh, bồi dưỡng sự yêu thích môn Lịch sử đến các em”.

Chương trình GDPT 2018 cụ thể hoá mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.